Hội KHHGĐ An Lão - Hải Phòng: Đổi mới để chăm sóc sức khỏe sinh sản mùa dịch

Để người dân trong địa bàn nắm được thông tin và kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ huyện An Lão đã linh hoạt, chủ động đổi mới hình thức tư vấn, tuyên truyền trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cán bộ dân số tuyên truyền về CSSK, KHHGĐ trong điều kiện dịch Covid-19

Thành công từ dân vận khéo

Nhằm nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, từ đầu tháng 6 đến nay, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện An Lão lựa chọn các xã trọng điểm có mức sinh cao và chưa ổn định để triển khai "chiến dịch truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình năm 2021".

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, thành phố chỉ đạo không tập trung đông người nên công tác tuyên truyền dân số gặp rất khó khăn .

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn tới gia tăng dân số, khiến mục tiêu kế hoạch đề ra có nguy cơ không đạt hiệu quả.

Khắc phục những hạn chế trên, Ban Chỉ đạo chiến dịch xác định thực hiện dân vận khéo, chia thành nhiều nhóm nhỏ cùng cán bộ dân số đến từng nhà để tuyên truyền, tư vấn cho người dân.

Cán bộ y tế, dân số xã Trường Thọ (huyện An Lão) “đi từng ngõ, gõ từng nhà” phổ biến cho người dân các dịch vụ sinh sản, KHHGĐ

Bà Vũ Hải Yến - Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện An Lão (TP. Hải Phòng) cho biết: “Chúng tôi bàn bạc, quyết định chia nhỏ các nhóm, giao cán bộ, cộng tác viên dân số “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, tư vấn cho người dân.

Với cách làm này thì mục tiêu kế hoạch chiến dịch đề ra sẽ không còn là bài toán khó của ngành Dân số - KHHGĐ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài như hiện nay. Bởi, ở bất cứ hoàn cảnh nào “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công””.

Trong thời gian diễn ra chiến dịch (từ 1/6/2021 đến 30/7/2021), các cán bộ, cộng tác viên dân số của 13 Trung tâm Dân số - KHHGĐ quận, huyện khác cũng kịp thời, chủ động điều chỉnh các hoạt động truyền thông phù hợp điều kiện thực tế.

Cùng với đó, có nhiều sáng kiến đổi mới trong hình thức và nội dung tuyên truyền để dễ tiếp cận với người dân. Cụ thể, lồng ghép tuyên truyền dịch bệnh với tuyên truyền về dân số bằng cách: tăng cường các hoạt động truyền thông trực quan bằng pano, khẩu hiệu, áp phích, xe tuyên truyền lưu động, đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh…

Từ đó phát huy hiệu quả hoạt động của mạng xã hội, đó là sự chia sẻ thông tin, tạo hiệu ứng tuyên truyền rộng đến toàn thể người dân.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo chiến dịch còn mời chuyên gia, tổ chức tọa đàm tư vấn xoay quanh các vấn đề về Dân số để người dân tiếp nhận những kiến thức về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ.

Nhờ vậy, người dân sẽ hiểu rõ hơn về lợi ích tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn. Chủ động thực hiện KHHGĐ bằng cách sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn;....

Chủ động cung cấp dịch vụ sinh sản, KHHGĐ

Trong chiến dịch năm 2021, ngoài linh hoạt, đổi mới hình thức tư vấn, tuyên truyền, các cán bộ, cộng tác viên dân số ở cơ sở còn chủ động cung cấp dịch vụ sinh sản - KHHGĐ đến người dân. Đảm bảo an toàn, thuận tiện, đa dạng hóa các biện pháp khi triển khai gói dịch vụ, như dụng cụ tử cung, tiêm hoặc cấy thuốc tránh thai, đình sản….

Cụ thể, mục tiêu kế hoạch đề ra là đảm bảo 100 % đối tượng thuộc diện được miễn phí theo quy định có nhu cầu thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại trong chiến dịch được cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ miễn phí.

Tư vấn, tuyên truyền người dân về CSSK, KHHGĐ bằng nhiều hình thức khác nhau

Bà Trần Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP. Hải Phòng cho biết, trong thời gian tổ chức chiến dịch năm 2021, các đơn vị tổ chức chiến dịch cần triển khai các hoạt động chủ yếu như tổ chức các cuộc tuyên truyền, tư vấn, nói chuyện về SKSS/KHHGĐ, vận động trực tiếp tới các đối tượng chưa áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại.

Theo bà Hằng, cán bộ cần tập trung trọng điểm theo các nhóm nhỏ tại trạm y tế xã, phường, thị trấn để chiến dịch đạt kết quả cao.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP. Hải Phòng, những bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến dịch năm 2020 giúp cán bộ và cộng tác viên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ tại cộng đồng trong thời gian tới.

Mặc dù trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến công tác tư vấn, tuyên truyền đến người dân gặp nhiều khó khăn. Song, việc đổi mới việc các hình thức truyền thông đã mang lại hiệu quả vận động cao.

Cùng với đó, chú trọng vai trò tư vấn trực tiếp của cán bộ và cộng tác viên dân số; phối hợp tổ chức các điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, phương tiện, chuyên môn, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu lựa chọn và áp dụng biện pháp tránh thai đến từng người dân…

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ