"Học sinh bị lạm dụng tình dục dễ sinh tâm lý thù hận, trả thù xã hội"

Theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn, hậu quả khi học sinh bị lạm dụng tình dục rất nặng nề, nhiều em mang tâm lý thù hận và quay trở lại trả thù xã hội.

Sự việc ông Nguyễn Văn Chính (55 tuổi, giáo viên dạy Toán tại trường THPT Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) quan hệ tình dục làm nữ sinh mang bầu đang khiến dư luận phẫn nộ, lên án.

Lý giải nguyên nhân của các vụ việc đau lòng nói trên đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng chống xâm hai tình dục, quấy rối tình dục, sức khỏe sinh sản cho các bậc phụ huynh và các em học sinh, PV Báo Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam về vấn đề này.

- Thời gian vừa qua, liên tục xảy ra tình trạng các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường bị xâm hại hoặc quan hệ tình dục dẫn đến có thai, theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

- PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Có thể lý giải vấn đề này bằng nhiều nguyên nhân khác nhau và chúng ta không thể tách vấn đề này ra khỏi xã hội và văn hóa. Bối cảnh xã hội của chúng ta có quá nhiều thay đổi và sự phát triển của xã hội kéo theo những tác động thiếu kiểm soát mà khoa học xã hội và hành vi đang rất quan tâm.

Cụ thể, internet, mạng xã hội, điện thoại trở thành kênh tác động có tầm ảnh hưởng và đẩy hành vi con người quá nhanh, chính chúng ta chưa kiểm soát hết. Song song đó, không thể trách những bậc phụ huynh phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh hàng ngày hàng bữa để nuôi chính mình và dành hết khả năng kinh tế để giúp con trưởng thành.

Vụ việc thầy giáo 55 tuổi quan hệ tình dục khiến học sinh mang bầu rồi dẫn đi phá thai tại Kiên Giang mới đây khiến dư luận xôn xao (Ảnh: TL)

>>>3 điều quan trọng cha mẹ cần dạy con hàng ngày để tránh bị xâm hại tình dục

Không thể đòi hỏi quá nhiều khi khó khăn của cuộc sống cứ bủa vây, những thách thức từ đời sống thực tiễn cứ thay nhau quấy phá... Nhưng rõ ràng các bậc cha mẹ cần có một chút sự nhạy cảm và ý chí cũng như sự đầu tư có hướng bằng thái độ kiên định.

Rõ ràng, không ít gia đình đã chạy đua với cuộc sống và bị chính con mình bỏ lại sau lưng nên chúng ta không thể đồng hành hay dõi theo để giáo dục và điều chỉnh. Và, điều quan trọng không thể không thừa nhận đó là vấn đề giáo dục giới tính cho học sinh thực hiện có quyết tâm nhưng chưa đủ, chưa sát, chưa tới và vì thế hệ lụy là điều có thể nhận thấy.

- Việc bị xâm hại tình dục hoặc quan hệ tình dục quá sớm sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến tâm sinh lý các em học sinh, thưa ông?

- PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Gần đây những cảnh báo mới về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên lại được nhắc tới bởi tính phức tạp và nhạy cảm của vấn đề.

Bởi vì, một khi đã bị lạm dụng tình dục thì tâm lý, tinh thần của các em thường bị khủng hoảng trầm trọng, kéo dài. Các hậu quả lâu dài có thể là sự khó khăn xây dựng mối quan hệ riêng với bạn tình sau này, dễ nghiện rượu, ma túy, chán đời, không thiết sống và một số các em mang tâm lý thù hận đối với xã hội và quay trở lại trả thù xã hội.

Hậu quả khi trẻ nhỏ bị lạm dụng tình dục rất nặng nề (Ảnh: TL)

Riêng về vấn đề quan hệ tình dục sớm thì thật ra nó phụ thuộc vào sự phát triển của con người, cá thể. Chúng ta khó có thể nói sớm hay muộn khi chưa hiểu đúng về nhu cầu bản thể. Hơn nữa, cần xem xét hai chủ thể, tính chất của hành vi mới có thể đánh giá.

Tuy nhiên, nếu những cặp đôi học sinh có nhu cầu quan hệ tình dục sớm trong độ tuổi đi học sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến vấn đề mục tiêu cuộc đời, khả năng kiểm soát bản thân cũng như kiểm soát những hậu quả cả về thể chất lẫn những tổn thương khi quá kỳ vọng về tình cảm...

Đó là chưa kể nếu quan hệ không an toàn khi chức năng cơ thể chưa đảm bảo, sẽ dễ mắc các bệnh lây qua quan hệ tình dục, tăng cao khả năng tổn thương cơ quan sinh sản và nguy cơ vô sinh, có thai ngoài ý muốn.

- Theo ông, công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho các em học sinh trong nhà trường có vai trò, ý nghĩa như thế nào?

- PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi cho rằng công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản có vai trò rất quan trọng trong hoạt động giáo dục. Bởi nhà trường vẫn là đơn vị có trách nhiệm rất cao, rất sâu về vấn đề này.

Thực tế nhà trường đã có những nỗ lực không ngừng về vấn đề này thông qua việc cập nhật kiến thức sinh học, tích hợp giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản qua các môn học khác nhau như: giáo dục công dân, sinh học, địa lý...

Hơn nữa, nội dung giáo dục kỹ năng sống do Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề cập hẳn về vấn đề này trong bộ tài liệu được thẩm định... Và công tác tham vấn học đường cũng có nhiệm vụ quan tâm và triển khai ở các mức độ nhất định. Có thể nói có khá nhiều tham vấn viên trường học đã làm rất tốt công tác của mình nhưng cũng không thể không thừa nhận một số còn hạn chế.

Các chương trình giáo dục kỹ năng sống và phòng tránh bị xâm hại tình dục cho học sinh trong nhà trường rất quan trọng.

Thực tế cho thấy, chính công tác truyền thông chưa “tới” về nghề tham vấn hay công việc của tham vấn viên trường học làm cho nhiều người nghĩ giản đơn về nghề này và công việc này. Những đòi hỏi về nghề không đơn giản nếu như những kiến thức cơ bản, cơ sở về nghề không đủ mà quan trọng nhất là sự thiếu hụt về kỹ năng nghề cụ thể nhất là những phẩm chất nghề hay những vấn đề thuộc về đạo đức nghề nghiệp.

Nhìn chung, chính sự đầu tư tới nơi tới chốn, sự đồng thuận của thầy cô nhà trường và phụ huynh mới đảm bảo công tác này đạt như mong đợi, từ đó mới có giá trị thúc đẩy, định hướng hành vi... học sinh khi đối diện với vấn đề này...

- Vậy gia đình, nhà trường và xã hội cần làm gì để giúp các em học sinh định hướng hành vi phù hợp?

- PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Thực tế cho thấy việc giáo dục giới tính cần được thực hiện ngay trong chính gia đình bằng những nguyên tắc rất giản đơn: thẳng thắn, thân thiện và thực thụ.

Điều này sẽ được cụ thể hoá bằng chính những biện pháp rất xác thực: cha mẹ đừng tô vẽ chân dung của mình hoàn hảo khi mình còn tuổi dậy thì, cha mẹ đừng vội quên tuổi thơ đầy cảm xúc cũng dễ bị “điện tình yêu giật” bắn cả người, kể với con cái chuyện của chính mình trước thay vì cứ tra vấn con mình, chia sẻ kinh nghiệm và những kỹ năng cụ thể, tâm sự bằng những hình thức trao đổi hai chiều và thực sự lắng nghe...

Nói chuyện về giới tính cho con cần nhất vẫn là thái độ nghiêm túc khi đối diện vấn đề giới tính nhưng đừng quá trầm trọng và căng thẳng. Kế đến vẫn là sự chia sẻ chân tình và cụ thể, sau nữa là tỏ ra thân thiện để cùng nhau bộc bạch mà không phải chỉ là dạy bảo...

Đương nhiên, sự dí dỏm để nhìn nhận và trò chuyện về các vấn đề tế nhị ấy được xem như một thủ thuật để hướng đứa trẻ dậy thì đi đúng quỹ đạo của cuộc trò chuyện về giới tính...

Điều này thách thức các bậc cha mẹ phải làm chủ kiến thức về giới tính, có quan điểm hiện đại và có kỹ năng tâm tình – chia sẻ mang tính khoa học... Thách thức ấy đòi hỏi cha mẹ phải trẻ lại, phải vượt lên phía trước và khắc phục cả những dấu vết của tính ì về suy nghĩ và tuổi tác của chính mình.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!