Gói vay tiêu dùng: ‘Trăm hoa đua nở’

Ngân hàng và các công ty tài chính đang giới thiệu nhiều gói vay tiêu dùng hấp dẫn. Từ đây, người dân sẽ có nhiều lựa chọn, tuy vậy, chuyên gia cảnh báo cần cân nhắc kỹ trước khi đặt bút ký.

Kiểm tra qua chức năng Fiza của Zalo (một chức năng liên kết với các đơn vị cung cấp cho vay tiêu dùng), có thể thấy Ngân hàng Shinhan Bank đang cung cấp gói vay tiêu dùng lãi suất từ 1%/tháng, hạn mức 75 – 900 triệu đồng, kỳ hạn tối đa 60 tháng. Khách hàng cần có hợp đồng lao động 1 năm và sao kê lương để có thể tiếp cận gói vay này.

Những khách hàng muốn vay số tiền nhỏ hơn có thể chọn gói Vay nhanh của Shinhan Bank. Đúng với tên gọi, quy trình duyệt hồ sơ cho vay diễn ra đơn giản, nhanh chóng gấp 2 lần so với các gói thông thường. Tuy nhiên, hạn mức vay chỉ từ 10 – 75 triệu đồng với lãi suất cố định từ 1,67%/tháng, kỳ hạn 12 – 60 tháng.

TPFico (thuộc Ngân hàng TMCP Tiên Phong) cũng giới thiệu gói vay lãi suất 2,5%/tháng hạn mức cao lên đến 90 triệu đồng với kỳ hạn linh hoạt từ 6 – 48 tháng, không cần thế chấp tài sản. Tuy nhiên, khách hàng cần chứng minh mức thu nhập nhất định để tham gia gói vay này.

Với Übank (thuộc VPBank), khi đăng ký qua Zalo Pay, có thể thấy ngân hàng này cho phép vay tiêu dùng với hạn mức 50 triệu đồng, lãi suất 2.83%/tháng.

Đa dạng gói vay sẽ giúp người dân nhiều lựa chọn, tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo cần tham khảo các quy định liên quan gói vay để tránh rủi ro không đáng có (Ảnh minh hoạ)

Đối với các công ty tài chính, phân khúc khách hàng chủ yếu là những người dân có thu nhập trung bình và thấp như lao động tự do, tiểu thương, công nhân... Phân khúc khách hàng này thường có nhu cầu vay với giá trị nhỏ, thời gian ngắn và không có tài sản bảo đảm, vì vậy khó tiếp cận vay vốn tại các ngân hàng thương mại.

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, ưu điểm của các công ty tài chính là cho vay tiêu dùng với điều kiện đơn giản, chỉ yêu cầu CMND/CCCD, hộ khẩu, cà vẹt xe máy chính chủ và một số giấy tờ chứng minh thu nhập. Đồng thời, cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng (như cho vay mua, sửa chữa nhà ở, chi phí học tập, mua xe máy, chữa bệnh...) được liên kết với các đại lý điện máy, hàng tiêu dùng, giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ để phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Tuy nhiên, lãi suất vay tiêu dùng tại các công ty tài chính luôn cao hơn so với các ngân hàng thương mại. Bởi lẽ, giá trị khoản vay thấp, kỳ hạn ngắn dẫn đến chi phí thu hồi, chi phí quản lý cao. Thủ tục đơn giản đồng nghĩa với rủi ro cao lớn khi cho vay.  

Đơn cử như FE Credit, doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất với 40% dư nợ của các công ty tài chính. Cũng thông qua Zalo Pay, doanh nghiệp này đang giới thiệu gói vay lãi suất 2,83% tháng (trên dư nợ giảm dần), tương đương 33,96%/năm, giải ngân nhanh chóng trong 24h, không cần tài sản thế chấp. Tuy nhiên, FE Credit cũng cho biết, đây là mức lãi suất tham khảo, lãi suất thực tế có thể thay đổi tùy vào hồ sơ vay và lịch sử tín dụng từng khách hàng.

Trong khi đó, tại Shinhan Finance, lãi suất tối thiểu từ 18%/năm đến tối đa 38%/năm tính trên dư nợ giảm dần. Khoản vay tối đa 300 triệu đồng cho mục đích tiêu dùng, phục vụ đời sống.

Tại M Credit, đối với sản phẩm vay tiền mặt, lãi suất từ 14,05-38,59%/năm, hạn mức từ 10 – 100 triệu đồng. Đối với vay trả góp, lãi suất là từ 0% đến 45%/năm, tùy thuộc vào mức vay từ 2 triệu đến 100 triệu đồng và sản phẩm mua trả góp, kỳ hạn vay từ 3 tháng – 72 tháng.

Do đó, khi vay tiền công ty tài chính, các chuyên gia lưu ý người dân cần tìm hiểu kỹ các chính sách liên quan đến lãi suất, thu hồi nợ, đặc biệt là phương án, phương thức các công ty này sẽ áp dụng nếu xảy ra tình huống khách hàng không trả nợ, hoặc trả nợ không đầy đủ theo khoản vay đã được các bên thỏa thuận, để tránh rơi vào những phiền toái không đáng có.