“Em bé Napalm” trong chiến tranh Việt Nam là bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế giới

Bức ảnh “Em bé Napalm” trong chiến tranh Việt Nam vừa được bầu chọn là bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế giới trong 50 năm qua.

Một cuộc khảo sát trên kênh truyền hình “History” đã được thực hiện nhằm ra mắt loạt ảnh thực tế thay đổi thế giới, mang tính bước ngoặt lớn trong lịch sử.

Hình ảnh “Em bé Napalm” chiếm 37% số lượt bình chọn tại Anh, trở thành bức ảnh gây chấn động nhất thế giới trong 50 năm qua.

Bức ảnh "Em bé Napalm" do nhiếp ảnh gia Nick Ut chụp.

Bức ảnh do nhiếp ảnh gia Nick Ut, phóng viên hãng AP chụp ngày 8 tháng 6 năm 1972. Trong ảnh là cô bé Phan Thị Kim Phúc, 9 tuổi cùng một số trẻ em Việt Nam vừa chạy vừa khóc sau khi bom napalm dội xuống Trảng Bàng, Tây Ninh. Phúc bị bỏng nặng và cháy hết quần áo.

Khoảnh khắc Phúc khỏa thân chạy di tán đã trở thành một trong những hình tượng ám ảnh nhất của Chiến tranh Việt Nam. Khi được công bố trên thế giới, bức ảnh này góp phần to lớn trong việc chấm dứt chiến tranh.

Nhiếp ảnh gia Nick Ut từng chia sẻ: “Mặc dù nó là một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất của thế kỷ 20, Tổng thống Nixon đã một lần nghi ngờ tính xác thực của tấm ảnh khi ông nhìn thấy nó trên báo chí ra ngày 12 tháng 6 năm 1972…. Đối với tôi, và rõ ràng là đối với nhiều người khác nữa, tấm ảnh không thể nào thực hơn. Tấm ảnh cũng xác thực như chính cuộc chiến Việt Nam vậy. Cô gái bé nhỏ ấy vẫn còn sống đến ngày hôm nay và vẫn là lời chứng hùng hồn cho tính xác thực của tấm ảnh. Kim Phúc và tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc ấy. Nó đã thay đổi cuộc sống của cả hai chúng tôi”.

Trong cuộc khảo sát này, đứng thứ 2 là bức ảnh thi thể cậu bé Aylan Kurdi, 3 tuổi, người Syria bị dạt vào một bờ biển Bodrum ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong chuyến hành trình từ thành phố Bodrum để tới đảo Kos ở Hy Lạp, chiếc thuyền của gia đình bé Aylan không may gặp sự cố và chìm xuống biển chỉ trong 30 phút.

Bức ảnh thi thể cậu bé Aylan Kurdi.

Đồng hạng 3 là các hình ảnh về cựu Tổng thống Nelson Mandela được trả tự do vào năm 1990 sau 20 năm trong tù, phi hành gia Buzz Aldrin đặt chân lên mặt trăng năm 1969.

 Cựu Tổng thống Nelson Mandela được trả tự do.

Phi hành gia Buzz Aldrin đặt chân lên mặt trăng.

 -> 14 hình ảnh chứng minh thế giới thay đổi chóng mặt trong 20 năm qua

Xem thêm: Xe khách bất ngờ bốc cháy trên cao tốc Bắc Giang.