Dựng lều tạm, nhọc nhằn mưu sinh ven cánh rừng thông xứ người

Trong ngôi lều tạm bợ, bốn bề chỉ được che phủ bằng bạt ven cánh rừng thông ở Kon Tum, 3 mẹ con chị Liễu hàng ngày vật lộn mưu sinh bằng nghề cạo nhựa thông.

Nhiều năm về trước, sau khi mâu thuẫn với người chồng ngày càng lớn và không còn phương hướng để giải quyết, chị Đặng Thị Liễu (41 tuổi) quyết định cùng 3 đứa con rời quê hương Nam Định khăn gói vào Kon Tum lập nghiệp.

Trong ngôi lều tạm bợ, bốn bề chỉ được che phủ bằng bạt dưới bát ngát rừng thông xã Đăk Trăm, đôi mắt không giấu được nỗi buồn, chị Liễu tâm sự, ban đầu chị vào làm nghề chở nhu yếu phẩm đi bán ở các bản làng tại Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Chị Đặng Thị Liễu hàng ngày mưu sinh với công việc cạo nhựa thông.

Tuy nhiên, do cuộc sống quá vất vả, chị trở về quê nhà tại Nam Định, bố mẹ tiếp tục la mắng vì đã “bỏ chồng” nên đành phải mang theo cậu con trai Nguyễn Duy Lâm (8 tuổi) vào lại Kon Tum lập nghiệp lần nữa.

Sau đó, cậu con trai thứ 2 là cháu Nguyễn Duy Nguyên (15 tuổi) bị ông ngoại không cho đi học cũng theo vào ở cùng với mẹ. . "Giờ 3 mẹ con đùm bọc nhau. Ở đây khổ quá, con gái đầu (20 tuổi) của tôi đã về Nam Định làm công ty may”, chị Liễu tâm sự.

Không nhà không cửa, không đất đai canh tác nên mẹ con chị đành dựng một ngôi lêu tạm bợ dưới tán rừng thông xã Đăk Trăm rồi xin làm công nhân cạo nhựa thông để có tiền trang trải cuộc sống.

Thương mẹ vất vả, Nguyễn Duy Nguyên phụ mẹ cạo nhựa thông để kiếm thêm thu nhập.

Thương mẹ vất cả, cậu con thứ 2 của chị là cháu Nguyễn Duy Nguyên đã nghỉ học từ năm lớp 5 để theo mẹ đi cạo nhựa thông, còn người con trai út là Nguyễn Duy Lâm (8 tuổi) hiện đang theo học tại một trường tiểu học trên địa bàn xã Kon Đào (Đăk Tô).

Để duy trì cuộc sống, chị Liễu và 2 con nhận khoán 4.500 cây thông để cạo nhựa, mỗi tháng cao nhất chị nhận được hơn 9 triệu đồng. Trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt và lo cho Duy Lâm đi học cũng không còn dư giả bao nhiêu.

Trong túp lều dột nát dưới bát ngát rừng thông xã Đăk Trăm (Đăk Tô, Kon Tum), cuộc sống mưu sinh dẫu khó khăn, thiếu thốn nhưng chị cùng các con vẫn luôn cố gắng từng ngày với hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn.

“Cái số mình vất vả, phải bươn chải rừng rú, xa nhà xa quê nên gắng làm thêm một thời gian rồi cho Duy Nguyên đi học nghề sau ổn định cuộc sống. Nó cũng khổ rồi. Cha mẹ nào mà chẳng mong cho con cái đi học tới nơi tới chốn”, chị Liễu tâm sự.

Cậu con trai út của chị Liễu là cháu Nguyễn Duy Lâm (8 tuổi) hiện đang theo học tại một trường tiểu học trên địa bàn xã Kon Đào (Đăk Tô, Kon Tum).

Nguyễn Duy Nguyên (14 tuổi) con trai thứ 2 của chị Liễu trải lòng, do gia đình khó khăn, thương mẹ một mình làm lụng vất vả suốt ngày nên cũng không muốn đi học nghề sớm. Phụ kiếm tiền lo cho em trai ăn học rồi mới tính đến chuyện đi học nghề.

“Giờ em cũng chưa biết học nghề gì, thấy mẹ vất vả nên thôi đi phụ làm để lo cho em trai rồi tính tiếp. Biết làm nghề này cũng cực nhưng tới đâu hay tới đó, em cũng không nghĩ nhiều, phụ mẹ được là vui rồi. Chứ em đi học nghề, chị không ở đây, một mình mẹ và em trai thì cực lắm”, Duy Nguyên chia sẻ.

Để tiết kiệm chi phí, chị Liễu tận dụng đất xung quanh lán để trồng thêm rau.

Chia sẻ về hoàn cảnh của chị Liễu, ông Trương Đình Tuệ - Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) cho biết, toàn xã có khoảng 22 người từ các tỉnh phía Bắc đến đây làm nghề cạo mủ thông trên địa bàn để mưu sinh và 3 mẹ con chị Liễu là trong số những người đó.

“Những người này thường chỉ sống trên địa bàn xã vài năm rồi lại di chuyển sang nơi khác. Chính vì vây, họ dựng những chiếc lều bạt ở tạm giữa rừng thông. Khi họ đến địa phương làm việc và sinh sống, UBND xã hỗ trợ những người này làm thủ tục đăng kí tạm trú, tạm vắng”, ông Trương Đình Tuệ cho biết.

Cuộc sống mưu sinh xa qua chị Liễu và 2 con cũng như bao người khác đang cố gắng từng ngày nhưng với họ mọi thứ thật vô định. Túp lều ở tạm một phần nói lên những khó khăn của họ nhưng đã thể hiện phần nào sự thiếu ổn định của họ. Liên tục di chuyển phải chăng họ và gia đình vẫn đang đi tìm kiếm sự ổn định trong cuộc sống mưu sinh vất vả của mình.