Du lịch Thanh Hóa làm gì để “hương sắc bốn mùa”?

Gần 2 năm công bố logo và biểu trương du lịch “hương sắc bốn mùa”, lượng khách và tổng thu du lịch mùa du lịch thấp điểm của tỉnh Thanh Hoá đã tăng lên đáng kể, khoảng 20-25% so với những năm trước đây.

Sự xuất hiện của công trình quảng trường biển Sầm Sơn được kỳ vọng sẽ thu hút khách cho mùa du lịch thấp điểm tại Thanh Hóa

Đầu năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức công bố biểu trưng và khẩu hiệu du lịch. Theo đó, biểu trưng (logo) du lịch tỉnh Thanh Hóa là sự kết hợp hài hòa hình ảnh của nụ cười, Thành nhà Hồ, Hòn Trống Mái, chim hạc, mái đình, ruộng bậc thang, mái chèo, cánh diều và cánh sóng.

Tổng thể logo toát lên nét vui tươi qua biểu tượng nụ cười thân thiện, mến khách của con người xứ Thanh. Với khẩu hiệu (slogan) “Hương sắc bốn mùa”, Thanh Hóa khẳng định về sự đa dạng, phong phú của tài nguyên du lịch, đồng thời cũng là lời mời chào, khích lệ du khách muôn phương đến khám phá và trải nghiệm du lịch xứ Thanh vào mọi thời điểm trong năm.

Phân tích ý nghĩa biểu trưng du lịch Thanh Hóa

Trước đó, du lịch Thanh Hóa luôn được “mặc định” là du lịch một mùa – mùa hè. Mùa hè với du lịch biển nghiễm nhiên được xem là mùa du lịch của xứ Thanh. Sở hữu hơn 100km bờ biển, du lịch biển được xem là mỏ vàng của Thanh Hóa với trung tâm là đô thị du lịch Sầm Sơn. Tuy nhiên, ngoài 3 tháng hè, các tháng còn lại trong năm, các khu du lịch biển ở Thanh Hóa rất vắng vẻ. Doanh thu trái mùa của du lịch Thanh Hóa vì thế không đáng kể.

Hình ảnh Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa… mùa hè quá tải, mùa đông, mùa thu heo hút đã trở nên quen thuộc. Các khu du lịch sinh thái, tâm linh, trong đó có nhiều khu di tích, danh lam thắng cảnh độc đáo như Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, suối cá thần Cẩm Lương… cũng đón lượng khách không đều trong năm.

Thông điệp "Hương sắc bốn mùa" vì thế vừa có ý nghĩa quảng bá tài nguyên du lịch Thanh Hóa phong phú; vừa là mục tiêu hướng đến của du lịch Thanh Hóa "trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".

Thanh Hóa được xem là miền đất của lễ hội

Sau 2 năm thực hiện, với những nỗ lực hoàn thiện và làm mới các sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh (du lịch biển, du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái cộng đồng) đã và đang góp phần rút ngắn khoảng cách mùa vụ du lịch. Thanh Hoá: Mùa Xuân - đến với lễ hội, khám phá nét văn hóa, di sản; mùa Hè -sôi động du lịch biển; mùa Thu Đông - trải nghiệm du lịch sinh thái, cộng đồng.

Lượng khách và tổng thu du lịch mùa du lịch thấp điểm của du lịch Thanh Hoá trong hai năm gần đây đã tăng lên đáng kể (tăng khoảng 20 - 25% so với những năm trước đây).

Trải nghiệm dù lượn tại khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa 

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, trưởng phòng quản lý du lịch, Sở VH-TT & DL Thanh Hóa cho biết, trong năm 2023, Thanh Hóa không ngừng làm mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có; tiếp tục hoàn thiện và đưa vào khai thác sản phẩm, dịch vụ du lịch du lịch mới: quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, các họat động biểu diễn nghệ thuật đường phố (tại khu du lịch Sầm Sơn); tour du lịch Đảo Mê, các trò chơi xe địa hình không vô lăng, đường đua công thức F1, trượt cỏ, bắn súng sơn… (thị xã Nghi Sơn); tour du lịch ra đảo Nẹ, dù lượn (khu du lịch Hải Tiến) ....

Tổ chức hơn 70 sự kiện, hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch tại các khu, điểm du lịch nhằm thu hút khách du lịch; tổ chức các hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch, liên kết, hợp tác phát triển du lịch, như: tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam VITM tại Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế ITE Thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp với Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch "Một hành trình - Bốn địa phương - Nhiều trải nghiệm" tại Hà Nội 2023; tham gia gian hàng giới thiệu du lịch Thanh Hóa tại lễ hội văn hóa Ẩm thực Việt Nam tại tỉnh Quảng trị.

Tổ chức Lễ công bố tuyến du lịch kết nối các huyện: Yên Định - Cẩm Thủy - Vĩnh Lộc - Thọ Xuân; tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Bắc; phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia tổ chức đón Đoàn du lịch Đài Loan khảo sát các khu điểm du lịch tại Thanh Hóa; tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành và báo chí các tỉnh, thành phố về khảo sát, xúc tiến đầu tư, kết nối các tour tuyến, sản phẩm du lịch Thanh Hoá…

Trong nỗ lực quảng bá thượng hiệu, Thanh Hóa đã mời hoa hậu Đỗ Thị Hà làm đại sứ du lịch

Cũng theo bà Nguyệt, việc thông tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Thanh Hóa đã rút ngắn được thời gian đi lại từ các tỉnh phía bắc, đặc biệt là thị trường Hà Nội đến Thanh Hoá - đây là thị trường khách chiếm thị phần lớn trong lượng khách nội địa đến Thanh Hóa (chiếm trên 65%). Mặc khác, tuyến cao tốc Bắc - Nam có ý nghĩa rất lớn trong việc kích cầu du lịch đến với các huyện phía Tây và Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa, góp phần thuận lợi cho việc liên kết các điểm trong tỉnh, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại Thanh Hóa.

Với lợi thế hạ tầng này, ngành sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư du lịch, hình thành các trọng điểm du lịch mới với những lợi thế về tài nguyên sông, hồ, đồi, núi, rừng nguyên sinh, hình thành sản phẩm, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; tạo đối trọng với sản phẩm du lịch biển - vốn đang là thế mạnh của tỉnh; góp phần hiện thức hóa du lịch Thanh Hóa - "Hương sắc bốn mùa" và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

 Vẻ hoang sơ hút hồn của  Pù Luông là một "đặc sản" thu hút khách du lịch

Được biết, năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và Thanh Hoá nói riêng tăng cao do chính sách visa thông thoáng của Chính phủ. Đặc biệt việc Trung Quốc mở cửa lại cho hoạt động du lịch đã tạo nên sự tăng đột biến đối với thị trường khách du lịch Trung Quốc đến Thanh hoá (chiếm gần 30%) tổng lượng khách quốc tế đến Thanh Hoá.

Bên cạnh đó, Thanh Hoá đã thực hiện nhiều chiến dịch xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch, liên kết với các tỉnh/thành phố lớn để kết nối đưa khách đến địa phương. Hiện, Khu du lịch Pù Luông ở Bá Thước là địa điểm thu hút khách du lịch quốc tế nhiều nhất trong tỉnh.

Năm 2023, du lịch Thanh Hóa tiếp tục tăng trưởng ấn tượng cả về doanh thu và lượng khách khách đến 

Năm 2023, kết quả kinh doanh du lịch khá ấn tượng: toàn tỉnh thu hút 12.420.000 lượt khách, tăng 12,5% so với năm 2022, đạt 103,5 % kế hoạch năm 2023 (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt: 615.200 lượt khách, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2022, đạt 100% kế hoạch 2023); Tổng thu du lịch ước đạt 24.500 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm 2022, đạt 101,2% kế hoạch năm 2023 (trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế ước đạt: 257.430.000 USD, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2022, đạt 109,2% kế hoạch năm 2023).