Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngóng chờ xúc tiến công nghiệp hỗ trợ

Những năm gần đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm một vai trò quan trọng sự hồi phục, phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại đang phải đương đầu với không ít khó khăn và thách thức điển hình như sự thiếu hụt các ngành công nghiệp hỗ trợ trong quá trình sản xuất - kinh doanh.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới đồng thời cũng tham gia ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Đặc biệt, việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN được dự kiến vào cuối năm 2015 sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các thị trường trong khu vực một cách dễ dàng hơn rất nhiều. Ngược lại, các doanh nghiệp (DN) cũng sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu nước ngoài vốn được chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản từ công nghệ, nhân lực, nguồn vốn và cách thức quản trị.

Đứng trước sức ép kể trên, các DN trong nước cũng phải có những bước đi cần thiết để đương đầu với những đối thủ mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), khi mà tiềm lực về mọi mặt còn nhiều hạn chế thì việc hỗ trợ về quá trình sản xuất - kinh doanh càng nên được quan tâm hàng đầu. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ phải được phát triển mạnh mẽ để nâng tầm DN Việt trên thương trường.

Hiện nay, trên cả nước đang có trên 800.000 DN, trong đó TP.HCM chiếm khoảng 30%, và số DNVVN chiếm tổng số 97% tổng số DN toàn thành phố. Mặc dù chiếm số lượng rất lớn, thế nhưng DNVVN lại chỉ đóng góp khoảng 21,36% về doanh thu, 6,68% về lợi nhuận và 9,78% về đóng góp ngân sách. Đồng thời, DNVVN cũng là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất của sự thay đổi môi trường kinh doanh do hiệu quả thấp. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của DNVVN là 1,8% so với toàn ngành là 6,9%.

 

Các DNVVN cần có Công nghiệp hỗ trợ để nâng tầm phát triển

Nguyên nhân của sự kém hiệu quả thì có nhiều, trong đó chủ yếu là do cách thức sản xuất mang tính truyền thống, thiếu sự kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau trong khâu hợp tác. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn vốn ban đầu đang khiến cho các DNVVN đang bị thiếu hụt đi các chi phí đầu tư cũng như nền tảng công nghệ và nhân lực cho quá trình sản xuất - kinh doanh.

Những khó khăn của các DNVVN từ lâu đã được các cơ quan chức năng đánh giá và đưa ra các biện pháp để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, nhìn chung các cơ chế, chính sách phát triển khá đầy đủ nhưng hiệu ứng, tác động hỗ trợ DN lại chưa cao do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước tình hình trên, thật sự cần phải có một sự đột phá để tạo động lực mạnh mẽ mà ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cần phải được coi trọng như một giải pháp hữu hiệu và bền vững, tạo điều kiện cho các DNVVN phát triển trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong xu thế hội nhập và phát triển, ngành công nghiệp thành phố đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Nguyên nhân chính là do lĩnh vực CNHT chậm phát triển. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2015 Sở Công thương theo sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố đã cùng với Hiệp hội doanh nghiệp cùng các sở ngành liên quan đã tiến hành khảo sát và xây dựng phương hướng và giải pháp thúc đẩy ngành CNHT trên địa bàn,

Theo đó, các khu chế xuất - khu công nghiệp sẽ được hình thành thông qua ngân sách thành phố bù lãi để xây dựng, qua đó góp phần giảm chi phí cho nhà đầu tư. Từ đó giúp các DNVVN có được cơ sở hạ tầng tốt với giá thuê vừa phải, phù hợp với nguồn vốn hiện có.

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách cũng sẽ được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Qũy bảo lãnh tín dụng cho DNVVN được tăng cường và phát huy hiệu quả hoạt động cùng với Qũy phát triển công nghệ của doanh nghiệp. Việc cải cách thủ tục hành chính sẽ được tiếp tục theo xu hướng rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho DN lĩnh vực công nghiệp.

Về lâu dài, các DNVVN nên có những sự hợp tác liên kết thành một khối liên hiệp để cùng nhau hợp tác và phát triển, bổ sung cho nhau trong nhiều khâu như cung ứng nguyên vật liệu hoặc đầu ra sản phẩm cũng như thông qua các viện, trường trên địa bàn thành phố trong việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Ngoài ra việc ký kết hợp tác giữa TP.HCM với các địa phương phát triển trên thế giới như Kansai, Shiga (Nhật), An-pơ (Pháp)...đã mở ra cho các DN trên địa bàn các cơ hội về giao thương cũng như học hỏi nhiều kinh nghiệm, công nghệ.

Cuối cùng, việc xây dựng các chương trình truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng là điều hết sức cần thiết để tuyên truyền về công nghiệp thành phố. Từ đó, các công tác kêu gọi, xúc tiến thương mại sẽ thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với DN.

Thanh Tùng