“Điểm trường mơ ước” về bản nghèo

Điểm trường với 2 phòng học khang trang trị giá hơn 600 triệu đồng vừa được Báo Nông thôn Ngày nay và Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) bàn giao cho xã Yên Thắng, huyện vùng cao Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa

Cô trò điểm trường bản Cơn dạy học buổi đầu tiên trong lớp học mới

Con đường từ trung tâm xã Yên Thắng vào bản Cơn chừng hơn 1 cây số nhưng lầy lội. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ, muốn vào bản, chỉ còn cách… cuốc bộ. Đoàn thiện nguyện và các nhà hảo tâm đã phải nhờ chính quyền địa phương huy động một chiếc xe chuyên dụng gắn đầu máy cày để chở giường xếp, chăn màn, quà tặng vào điểm trường mầm non khu Cơn.

Xã Yên Thắng phải huy động một chiếc "xe chuyên dụng" xuyên qua con đường lầy lội chở quà tặng vào điểm trường

Điểm trường nằm lọt thỏm trên một quả đồi nhỏ, bao quanh là bạt ngàn rừng núi, thấp thoáng những nếp nhà sàn. Đường vào bản nhìn từ trên cao như một nét vẽ nguệch ngoạc, nham nhở.

Có mặt tại lễ khánh thành “Điểm trường mơ ước” bản Cơn, ông Lương Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Yên Thắng cho biết, bản Cơn có 101 hộ gia đình thì có tới 56 hộ nghèo, 41 hộ cận nghèo. Người dân tộc Thái chiếm đa số, chủ yếu mưu sinh bằng nghề nông và sống bám rừng. Yên Thắng cách trung tâm huyện 40 km và là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Lang Chánh.

Đường vào bản Cơn nhìn từ trên cao như một nét vẽ nham nhở

“Đúng như tên gọi Điểm trường mơ ước, đây là mong muốn từ rất lâu của chính quyền địa phương. Bà con nhân dân, đặc biệt là các gia đình có con, cháu đang trong độ tuổi mầm non rất phấn khởi”, ông Hải xúc động nói.

Cô Lê Thị Phượng - Hiệu trưởng trường mầm non Yên Thắng cho biết, mấy ngày qua cô trò đã chuẩn bị trang hoàng trường lớp, tập văn nghệ để chào mừng lễ khánh thành điểm trường mơ ước.

“Bao nhiêu năm phải mượn tạm phòng của trường Tiểu học, lớp thiếu chỗ nên khoảng 10 cháu đang ở độ tuổi đi học chưa thể đến lớp. Nay có thêm 2 phòng học khang trang, lớp sẽ không phải ghép mà chia thành 2 nhóm: nhóm các cháu từ 3-5 tuổi và 1 nhóm lớp nhà trẻ. Tổng số học sinh sẽ nâng từ 22 học sinh lên 33 em. Tất cả mọi người đều rất vui”, cô Phượng phấn khởi cho biết.

"Điểm trường mơ ước" mang niềm vui đến cho người dân bản Cơn

Nghe tin khánh thành điểm trường mới, bà Lò Thị Tình cõng cháu nội 4 tuổi Lò Nhật Minh đến dự lễ từ khá sớm. Xúng xính trong trang phục dân tộc, cười giòn tan khi nhắc đến phòng học mới, bàn ghế mới nhưng giọng bà Tình bỗng chùng xuống khi nhớ đến sự học ở bản nghèo.

“Lứa chúng tôi phần lớn không được đi học. Giờ chỉ mong con cháu có được cái chữ. Nhưng bao nhiêu năm, các cháu phải học ghép lớp, phòng học dột nát. Giờ có trường mới, lớp mới, dân bản vui lắm”, bà Tình vừa bế cháu nội vừa kể.

48 tuổi, vẫn còn sức lao động nhưng từ ngày có cháu nội bà đều đặn mỗi ngày 4 lần đưa cháu tới điểm trường. Nay biết điểm trường mới sẽ tổ chức học bán trú, bà rất vui vì sẽ giảm 2 lần đưa đón cháu, có thời gian lên nương rẫy đỡ đần con cái.

Cháu nội được học bán trú, từ nay bà Tình có thời gian để lên nương

Bé Lương Đình Phong chưa đầy 2 tuổi được mẹ là Hà Thị Thu, 25 tuổi ẵm đến điểm trường mới dù bé vẫn chưa đi học. Tới đây có phòng học mới, chị sẽ cho cháu đến trường.

“Nếu không có điểm trường mới, các con không được học bán trú, chúng tôi muốn xin đi làm công nhân cũng khó vì không thu xếp được thời gian để đưa đón. Giờ thì yên tâm rồi. Sắp tới tôi sẽ cho cháu đi nhà trẻ ở đây.”, chị Thu vui mừng chia sẻ.

Con trai được học bán trú, chị Thu có thời gian để xin đi làm công nhân

5 năm trước, đang dạy học ở thị trấn, cô Phạm Thị Bé viết đơn tình nguyện vào bản Cơn và cũng từng đó thời gian cô trò học chữ trong tạm bợ nên luôn mơ ước có được một điểm trường khang trang, đủ đầy đồ dùng học tập. Ngay sau khi hoàn thành 2 phòng học mới, cô Bé và 2 cô giáo nữa ở đây đã cùng với phụ huynh cắt giấy, xốp làm thành những cánh hoa rực rỡ trang trí lớp học.

Vừa tươi cười nói vừa chỉ tay lên những chiếc quạt trần mới đang quay tít, cô Bé cho biết: “Năm học mới đã khai giảng từ đầu tháng 9 nhưng với điểm trường mơ ước bản Cờn, hôm nay cũng vui như ngày tựu trường vì từ nay các em nhỏ sẽ được … về nhà mới. Cô vui, trò vui, phụ huynh vui, cả bản đều vui như mở hội”.

Cô Phạm Thị Bé từng có 5 năm dạy học trong lớp ghép, phòng tạm

Biết tin điểm trường mới được bàn giao, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã thông qua Báo Nông thôn Ngày nay gửi đến cô trò những phần quà ý nghĩa. 33 chiếc giường xếp bé xinh đi kèm 33 bộ chăn gối, 33 hộp yến sào xứ Thanh, 1 máy lọc nước đã được chuyển đến tận tay các em nhỏ.

Ông Phạm Văn Tuấn (ngoài cùng bên trái) - PCT UBND huyện Lang Chánh cùng đại diện các nhà hảo tâm trao quà cho điểm trường bản Cơn, xã Yên Thắng

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt xúc động chia sẻ: “Chúng tôi biết xã Yên Thắng vẫn còn hơn 80% hộ nghèo và cận nghèo. Sau khi khảo sát, biết cô trò ở bản Cơn không có lớp học chính thức, phải đi học nhờ, chúng tôi đã quyết định xây dựng điểm trường mơ ước tại đây. Tuy số tiền không nhiều nhưng hy vọng điểm trường sẽ góp phần đẩy mạnh truyền thống hiếu học của xứ Thanh”.

Điểm trường có 2 phòng học được xây kiên cố trị giá 600 triệu đồng do Báo Nông thôn Ngày nay và Quỹ Thiện Tâm trao tặng

Được biết ngoài kinh phí 600 triệu do Báo Nông thôn Ngày nay và Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ để xây 2 phòng học với tổng diện tích 133m2, cuối năm 2022, UBND huyện Lang Chánh sẽ đầu tư xây dựng thêm khu nhà vệ sinh mới cho 2 điểm trường, bao gồm cả điểm trường tiểu học bản Cơn ngay bên cạnh.

Trẻ em bản Cơn trong lễ khánh thành điểm trường mơ ước

Ông Hoàng Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho hay, huyện Lang Chánh còn 7 điểm trường ở vùng sâu, vùng xa nhiều khó khăn, đã bị xuống cấp, thậm chí nhiều điểm trường không còn sử dụng được. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng, huyện đang tập trung nguồn lực để ưu tiên phát triển hạ tầng giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học.

Huyện Lang Chánh vẫn cần nhiều điểm trường mơ ước như bản Cơn

“Dịp 20/11 tới, chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức tri ân các giáo viên vùng sâu, vùng xa, những người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của huyện. Cùng với nguồn lực xã hội hóa từ các nhà hảo tâm, hy vọng thời gian tới, cơ sở vật chất trường lớp tại địa phương sẽ được đầu tư, xây dựng khang trang hơn”, ông Thanh nói.