Dịch bệnh nào đang "nóng" nhất tại Hà Nội?

Thời tiết tại Thủ đô đã chuyển sang mùa hè nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh phát triển và gia tăng.

Đáng chú ý, thủy đậu là một trong những dịch bệnh đang "nóng" nhất tại Hà Nội. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nhận định, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước.

Thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển (Ảnh minh họa)

Cụ thể, từ đầu năm cho đến ngày 31/3, thành phố đã có 800 ca mắc thủy đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 11 ca). Hiện chưa ghi nhận ca tử vong.

Số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (37,5%) và tiểu học (36,5%). Bệnh nhân phân bố tại 17/30 quận, huyện, dẫn đầu là Chương Mỹ với 241 ca, tiếp đến là Mê Linh với 96 ca, Ba Vì (83 ca), Nam Từ Liêm (58 ca), Mỹ Đức (51 ca). Nếu như những năm trước, bệnh thường lây lan mạnh trong nhóm trẻ nhỏ, nhóm lớp mầm non thì năm nay thủy đậu còn bùng phát ở người lớn.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra, cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5. Đây là khoảng thời gian cuối xuân đầu hè, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây lan.

Các triệu chứng xuất hiện từ 7 - 21 ngày sau khi nhiễm virus, bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi và chán ăn. Những chấm đỏ sẽ xuất hiện trên cơ thể trong 2-3 ngày rồi trở thành mẩn ngứa, từ đó hình thành nên những chỗ rộp dần dần khô và đóng vảy từ 4-5 ngày. Miệng, tai và mắt cũng có thể xuất hiện những nốt mụn nước và vết loét.

Thủy đậu lây truyền qua giọt bắn, tiếp xúc da, quần áo. Do đó, các bệnh nhân khi mắc bệnh cần báo cho người sống cùng chú ý về mặt dịch tễ, nước, thức ăn. Bệnh nhân cũng lưu ý tự cách ly sinh hoạt riêng để tránh tiếp xúc gần với người khỏe mạnh.

Một phụ nữ mang thai 24 tuần mắc thủy đậu đang được điều trị tại Bệnh viện (Ảnh: Nguyễn Thuận)

Đáng chú ý, thời gian vừa qua, các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản… Bên cạnh đó, các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A(H7N9), A(H5N6), Marburg… tiềm ẩn nguy cơ xâm nhậ ptrẻ. 

Do đó, để chủ động phòng chống các dịch bệnh mùa hè và đặc biệt trong các dịp nghỉ lễ, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, kiểm tra thân nhiệt của hành khách bằng máy đo thân nhiệt, lưu ý hành khách đến từ các quốc gia có dịch cúm A(H7N9), A(H5N6), Marburg…

Áp dụng biện pháp cách ly, chuyển tuyến điều trị đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đồng thời thông báo cho trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã để tổ chức giám sát dịch tại cộng đồng.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch tại các bệnh viện trung ương và thành phố, tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch tại cộng đồng. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về các biện pháp giám sát, xử lý các bệnh dịch cho đội ngũ cán bộ y tế trong hệ thống.

Bố trí cán bộ trực và sẵn sàng hỗ trợ các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp bao vây khoanh vùng xử lý dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh như chủ động đi tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh; vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết; vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ chơi phòng chống bệnh tay chân miệng.