Đấu tranh với thông tin xấu, độc trên Internet: “Các nhà báo, phóng viên phải là chiến sỹ chủ động” 

Sáng 26/8, Báo điện tử Tổ Quốc, báo Gia Đình Việt Nam, báo điện tử Vietnamnet, báo điện tử VTC News đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm về "Giải pháp ngăn chặn và đấu tranh với thông tin xấu, độc hại trên mạng Internet" .

Tham gia buổi tọa đàm có PGS.TS Đào Duy Quát – nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an. PGS.TS Phạm Minh Sơn- Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế- Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Ông Bùi Quang Minh, Giám đốc điều hành của SecurityBox- chuyên gia có hơn 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp an ninh mạng. Ông là 1 trong 06 chuyên gia trên toàn thế giới được trao thưởng của Google do phát hiện lỗ hổng nghiêm trọng của Google Chrome.

Buổi tọa đàm diễn ra trong bối cảnh thời gian qua xảy ra nhiều thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã có những hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng, nhà nước ta

Buổi tọa đàm diễn ra trong bối cảnh thời gian qua xảy ra nhiều thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã có những hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng, nhà nước ta với nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt.

Nhiều đối tượng lợi dụng internet, mạng xã hội và các blog cá nhân để tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân…

Tại buổi Tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm – TBT Báo điện tử Tổ Quốc đã đưa ra những câu hỏi, nêu lên những vấn liên quan đến nội dung của chủ đề buổi tọa đàm gửi đến các vị khách mời.

Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm – TBT Báo điện tử Tổ Quốc chủ trì buổi tọa đàm

Thảo luận về nội dung buổi tọa đàm "Đấu tranh với thông tin xấu, độc trên Internet", PGS.TS Đào Duy Quát chia sẻ: Chúng ta thấy rất rõ ở đây là một thủ đoạn của cả một âm mưu chiến lược. Và với thủ đoạn này, chúng sử dụng nhiều hình thức khác nhau nhưng hiện nay đang dùng các trang mạng xã hội làm công cụ. Điều này cho thấy tính nguy hiểm trong thủ đoạn mà kẻ xấu điên cuồng tiến hành.

Bên cạnh đó, PGS.TS Đào Duy Quát nêu ý kiến: Chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong báo chí, đặc biệt là báo điện tử. Cần đào tạo các phóng viên, nhà báo “làm chủ” được việc đấu tranh, xử lý các thông tin xấu trên mạng.

PGS.TS Đào Duy Quát

“Các nhà báo, phóng viên phải chính là những chiến sỹ chủ động trên mặt trận phòng chống thông tin xuyên tạc, bôi nhọ trên mạng internet” - PGS.TS Đào Duy Quát nhấn mạnh.

PGS.TS Đào Duy Quát dẫn chứng thêm: Trước Đại hội Đảng 12, tôi đã nhận được cuốn sách của GS.TS Trần Đại Quang về vấn đề này, và mới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã có bài viết về vấn đề này. Vì thế, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải có giải pháp, chiến lược. Trong chiến lược ấy, phải có các giải pháp trong giáo dục, giáo dục về mạng internet, giáo giục kiến thức, giáo dục đạo đức...

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phạm Minh Sơn cho biết: Các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn những thông tin độc hại này cần phải tích cực hơn nữa. Nhận diện là bước quan trọng đầu tiên để chống lại luận điệu xuyên tạc.

“Chúng tôi là lực lượng giáo dục, do vậy việc đầu tiên là phải cần đưa ra cách thức để nhận diện thông tin xấu độc trên internet. Về mặt thể thức, chúng tôi chỉ cho sinh viên cách nhận diện những tin xấu dộc như những tên miền nước ngoài, nhân danh các lãnh đạo cao cấp của Đảng để lợi dụng uy tín trong xã hội, lập trang web giả mạo” -  PGS.TS Phạm Minh Sơn nói.

PGS.TS Phạm Minh Sơn

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: Chúng ta có tới 50 triệu người sử dụng internet, các ứng dụng khoa học công nghệ đang đi vào tất cả các ngành, các lĩnh vực, sự phát triển như vậy luôn có mặt trái của nó, luôn đi kèm cả những ứng dụng trái quy định pháp luật, gây ảnh hưởng tới an ninh chính trị, an toàn xã hội.

“Vừa qua, theo thống kê từ Bộ công an – Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao đã phối hợp với Cục phát thanh truyền hình yêu cầu gỡ Google gỡ bỏ hơn 1000 video, clip, bài viết và hơn 100 tài khoản có chứa nội dung xấu bôi nhọ các cá nhân, tổ chức trong nước nhằm chống phá nhà nước” – Ông Minh thông tin.

Ông Lê Xuân Minh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an)

Ông Bùi Quang Minh - Giám đốc điều hành của SecurityBox thông tin: "Theo thống kê của chúng tôi, riêng mạng xã hội Facebook Việt Nam có khoảng 40 triệu tài khoản. Mỗi ngày trên thế giới xuất hiện khoảng 500 triệu bài viết, riêng Việt Nam con số này cũng lên tới vài chục triệu. Thông  tin và sức lan truyền rất lớn. Người sử dụng lại không phân biệt được đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin xấu".

Ông Bùi Quang Minh (áo xanh) - Giám đốc điều hành của SecurityBox

Để ngăn chặn, phòng chống thông tin xấu trên mạng internet, ông Bùi Quang Minh nêu một số giải pháp: "Người sử dụng mạng internet phát hiện sớm bằng cách “lắng nghe mạng xã hội”, giúp các cơ quan chức năng phát hiện thông tin theo “từ khóa” để khoanh vùng đối tượng phát tán.

Tiếp đến, người sử dụng mạng xã hội biết cách phân biệt tin tức tốt, xấu, đây là điều khó bởi khối lượng thông tin nhiều, con người khó thể làm nổi do vậy cần sử dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý, định hướng.

Người sử dụng mạng internet cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng để cùng hỗ trợ, ngăn chặn".