“Con đường nghệ thuật Gốm đỏ” tôn vinh tinh thần lao động của người dân Vĩnh Long

Ngày 11/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long và Ban tổ chức Festival Nông sản Việt Nam - Hội Chợ Công thương vùng ĐBSCL - Vĩnh Long năm 2023 đã tổ chức lễ khai mạc Con đường nghệ thuật Gốm đỏ - Vĩnh Long năm 2023.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023”. Hoạt động được tổ chức nhằm chào mừng Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 - 13/9/2023).

Lễ khai mạc Con đường nghệ thuật Gốm đỏ - Vĩnh Long năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại lễ khai mạc.

Ông Nguyễn Trung Kiên – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại lễ khai mạc.

Công trình Con đường nghệ thuật gốm đỏ - Vĩnh Long năm 2023 được thực hiện trên tuyến đường nối Võ Văn Kiệt và Phạm Hùng, thuộc phường 9, TP. Vĩnh Long, có chiều dài hơn 500m. Cổng gốm được thiết kế với chiều cao 5,5 m, chiều rộng 2,5m, mô phỏng từ lò gạch - gốm.

Con đường trưng bày các tiểu cảnh được sắp xếp sử dụng hơn 2.500 sản phẩm gốm đỏ huy động từ 16 đơn vị sản xuất kinh doanh gạch gốm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Con đường nghệ thuật gốm đỏ do Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long phối hợp Hiệp hội gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long cùng thực hiện với tổng kinh phí khoảng 8 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, những năm 1980, cả vùng có gần 3.000 lò gạch trải dài gần 30 km thuộc huyện Long Hồ và Mang Thít, hoạt động xuyên suốt quanh năm;  mang gạch thẻ, gạch ống, gạch tàu, với số lượng lớn đi khắp nơi để xây dựng các công trình. Người dân nơi đây sinh ra đã gắn bó với nghề, qua bao thế hệ đúc kết thành kỹ thuật nung chỉ bằng lò gạch, nhiên liệu là trấu; hàng ngàn mẫu mã, kiểu dáng khác nhau được tạo ra từ bàn tay tài hoa của người thợ thủ công.

Đặc biệt sản phẩm gốm với màu đỏ đặc trưng từ đất sét tạo nét riêng cho gốm Vĩnh Long mà không nơi nào có được, đã xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như EU, Hoa Kỳ, Châu Úc, Đài Loan, HongKong, Hàn Quốc, Nhật Bản,… được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long thực hiện thắp lửa tại lò gạch.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại lễ khai mạc Con đường nghệ thuật Gốm đỏ - Vĩnh Long năm 2023.

Tuy nhiên, từ những năm 2010 trở lại đây, khi đổi mới công nghệ từ lò nung tròn sang lò nung liên hoàn, cải thiện quy trình sản xuất, thân thiện với môi trường và nâng cao sức cạnh tranh thì chi phí sản xuất cao, giá bán sản phẩm đầu ra thấp, các cơ sở lò gạch gặp nhiều khó khăn nên quy mô và công suất hoạt động không còn lớn như trước đây.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh còn hơn 20 doanh nghiệp sản xuất gốm, sản lượng trung bình đạt khoảng 5 triệu sản phẩm, ước giá trị mang lại khoảng 400 tỷ đồng/năm.

Nhằm bảo tồn và phát triển nghề gạch gốm truyền thống, kết hợp với phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các lò gạch gốm truyền thống hiện có, làm điểm nhấn mang tính đột phá, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Di sản đương đại Mang Thít”; Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm.

Theo đó, toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060 hecta thuộc 04 xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh huyện Mang Thít được bảo tồn lò gạch gốm, hiện đã có 364 hộ cam kết giữ lại 653 lò. Với đề án này, “Vương quốc gốm đỏ” Mang Thít sẽ trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm quốc tế, sẽ là một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của địa phương và của quốc gia.

“Con đường nghệ thuật này kết tinh của món quà tuyệt vời mà tự nhiên đã ban tặng cho quê hương mình; của tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và bàn tay khéo léo qua bao thế hệ của người dân Vĩnh Long từ trên 100 năm nay; là tâm huyết của thế hệ đi sau mong muốn giữ gìn một làng nghề truyền thống vốn chỉ có trên vùng đất này; và hơn hết là kết tinh của mong ước “vương quốc gốm đỏ” sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, để những lò gạch rêu phong, cổ kính mang nền văn hóa Vĩnh Long đi xa hơn”, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.