Cô gái trẻ vừa tử vong, cháu bé 5 tuổi lại nguy kịch vì rắn cạp nia

Cháu bé 5 tuổi bị rắn cạp nia cực độc cắn phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Trước đó cũng tại địa phương này, một cô gái trẻ bị loài rắn này cắn tử vong.

Đến sáng nay 10/7, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An vẫn đang điều trị cho bé N.T.Q. (5 tuổi, trú xã Hưng Đông, TP.Vinh) bị rắn cạp nia cắn phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó, tối 8/7, cháu N.T.Q. khi ra chơi sau khu vực vườn nhà đã bị rắn cạp nia từ trong bụi cây lao ra cắn một nhát vào bàn chân phải. Gia đình tức tốc đưa bé đến Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cấp cứu.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da niêm mạc hồng, không xuất huyết dưới da, tuyến giáp không to, hạch ngoại vi không sờ thấy, hội chứng màng não âm tính. Cẳng chân phải từ garo trở xuống tím, vết rắn cắn ở mắt cá chân trong bên phải, không hoại tử.

Cháu bé sau đó được tháo ga rô, truyền dịch, lợi tiểu. May mắn được đưa đến bệnh viện kịp thời, vết thương lại không vào chỗ hiểm nên sau 3 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân hiện đã tạm ổn định.

Rắn cạp nia được xem là loài rắn nguy hiểm nhất hành tinh

Trước đó,  vào ngày 8/7 nhiều người dân xứ Nghệ bàng hoàng trước thông tin em N.T.L. (SN 2000, trú xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn) tử vong sau 5 ngày được điều trị tại bệnh viện vì rắn cắn. 

Sự việc xảy ra vào rạng sáng ngày 3/7, khi đó L. đang ngủ tại nhà riêng thì bị rắn cạp nia ẩn nấp trong chăn cắn 3 nhát vào cổ. Cô gái trẻ nhanh chóng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An nhưng do vết thương tại vị trí quá hiểm nên đã không qua khỏi.

Rắn cạp nia thuộc chi cạp nia, tìm thấy chủ yếu ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Các tên gọi phổ biến trong tiếng Việt là rắn cạp nong, cạp nia, mai gầm, hổ khoang...

Loài rắn này có lớp vảy trơn và bóng được sắp xếp xen kẽ gồm các khoang đen và khoang màu sáng. Điều này giúp chúng ngụy trang khá tốt tại môi trường sinh sống là các đồng cỏ và các cánh rừng có nhiều bụi rậm.

Rắn cạp nia được xem là loài rắn độc nguy hiểm bậc nhất trên hành tinh, có hiệu lực cao hơn nhiều lần so với nọc rắn hổ mang. Cú cắn của chúng rất nguy hiểm và gây ra trụy hệ hô hấp đối với nạn nhân.

Thông thường, vết cắn của rắn cạp nia không lớn, không gây sưng, đau nhức nhưng lại rất nguy hiểm. Nọc độc từ chúng sẽ làm tê liệt các cơ và hệ thần kinh, khiến não bộ không thể truyền thông tin đến các bộ phận khác trong cơ thể. Mỗi phát cắn của rắn cạp nia truyền từ 4-18 mg nọc độc vào cơ thể. Tỉ lệ tử vong khi bị loài rắn này cắn lên đến 75%.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi bị rắn cắn, nạn nhân sẽ khó thở, run rẩy, chuột rút, căng cứng người và tử vong nhanh chóng, rất khó để cứu chữa nếu không phát hiện sớm.