Chiều cao người Việt đứng thứ 4 Đông Nam Á

Tại Việt Nam, chiều cao trung bình của nữ giới tăng 3,3 cm, nam tăng 5,8 cm sau 20 năm. Hiện nước ta đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng chiều cao của khu vực Đông Nam Á.

Chia sẻ tại Hội thảo về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em do Bộ Y tế tổ chức, TS Trần Đăng Khoa – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, thông tin về chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng lên sau 20 năm.

Theo đó, nữ trung bình cao 152,3 cm (năm 2000) đã tăng lên 155,6 cm (năm 2020). Như vậy, chiều cao trung bình của nữ Việt nam đã tăng 3,3 cm trong 20 năm. 

Còn chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam tăng 5,8 cm, từ 162,3cm (năm 2000) lên 168,1 cm (2020).

So với các nước trong Đông Nam Á, chiều cao của người Việt hiện giờ đang đứng thứ 4 trong khu vực, chỉ sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trước đây 10 năm, người Việt đứng gần cuối trong khu vực, chỉ nhỉnh hơn người Indonesia và Philippines.

Ảnh minh họa

TS Khoa cũng chia sẻ, tỷ lệ tăng chiều cao của người Việt trong 20 năm so với quốc gia ở Châu Á như Nhật Bản vẫn chưa đạt như mong muốn. Điều này cần một quá trình lâu dài, cải thiện chiều cao cần phải đảm bảo các yếu tố như dinh dưỡng, bổ sung vi chất, liên quan đến gen…

Một chuyên gia khác cho biết, để cải thiện chiều cao của người Việt, điều quan trọng là cần có can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời.

Cụ thể, khi mang thai, người mẹ cần được bổ sung đủ chất, đủ dinh dưỡng, đa dạng để không sinh ra trẻ nhẹ cân, thấp còi. Tiếp theo là nuôi dưỡng trẻ thật tốt trong ba năm đầu đời, trẻ được bú sữa mẹ sớm và hoàn toàn trong sáu tháng đầu, chế độ dinh dưỡng hợp lý, ít mắc bệnh...

Chiều cao đạt được lúc 3 tuổi sẽ quyết định chiều cao khi trưởng thành

GS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, 1.000 ngày đầu đời tính từ thời điểm thụ thai cho đến khi trẻ 2 tuổi. Trong đó chia nhỏ làm 3 giai đoạn: 9 tháng mang thai, 1 năm đầu đời và 365 ngày năm thứ 2. Đặc biệt đối với trẻ em, WHO công nhận, chiều cao đạt được lúc 3 tuổi sẽ quyết định chiều cao khi trưởng thành.

Cụ thể, nếu một trẻ 3 tuổi bị thấp còi nặng, chỉ cao 81,2cm, đến khi trưởng thành cao tối đa 158cm (dù được chăm sóc tốt về sau). Trẻ thấp còi nhẹ lúc 3 tuổi cao 89,3cm, sau này chỉ đạt đến tối đa 167,3cm và 1 trẻ bình thường lúc 3 tuổi cao 94,5cm thì sẽ đạt đến 170,9cm. 

Do đó, trong giai đoạn mang bầu, các thai phụ cần ăn uống đa dạng, bổ sung đủ các vi chất cần thiết và nghỉ ngơi hợp lý. Khi chào đời, trẻ phải được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh và cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.

Không cần cho trẻ ăn/uống thêm các loại đồ ăn/thức uống khác, kể cả nước trắng. Từ tháng thứ 7, trẻ cần được ăn thêm đủ các thức ăn sệt và đặc đảm bảo chất lượng và tiếp tục cho bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi để trẻ tiếp tục phát triển khỏe mạnh. Theo PGS Tuyên, ở Việt Nam, gần 50% bậc cha mẹ mắc sai lầm khi cho trẻ ăn dặm quá sớm và thường không đủ chất.