Cấp cứu người đàn ông bị suy hô hấp nguy hiểm tính mạng

Dù đã được cấp cứu và xử lý tại tuyến cơ sở nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm thậm chí người bệnh ngày càng khó thở hơn, mệt nhiều, kích thích, vã mồ hôi và phải thở gắng sức.

Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) vừa tiếp nhận, cấp cứu kịp thời và điều trị thành công cho người bệnh N.V.C. (SN 1965, ở phường Tân Thịnh - TP Thái Nguyên) bị suy hô hấp mức độ nguy kịch.

Khai thác thông tin ban đầu được biết bệnh nhân có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã lâu, vẫn điều trị ngoại trú theo sổ. Tuy nhiên trước ngày phải nhập viện cấp cứu, người bệnh đột ngột xuất hiện cơn khó thở cấp tính. Dù đã được cấp cứu và xử lý tại tuyến cơ sở nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm thậm chí người bệnh ngày càng khó thở hơn, mệt nhiều, kích thích, vã mồ hôi và phải thở gắng sức.

Bệnh nhân được các bác sĩ cứu chữa kịp thời (Ảnh: BVCC). 

Sau khi được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bệnh nhân được các bác sĩ, nhân viên y tế khoa Cấp cứu tiến hành cấp cứu và đánh giá có tình trạng suy hô hấp mức độ nguy kịch. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định đặt ống nội khí quản, thở máy hỗ trợ, dùng thuốc giãn phế quản đường tĩnh mạch.

Sau một ngày điều trị, bệnh nhân tiến triển tốt, các bác sỹ đã tiến hành cai máy thở và rút ống nội khí quản chuyển thở oxy kính cho người bệnh. Sau 03 ngày điều trị, bệnh nhân C. hoàn toàn ổn định và được xuất viện trở về nhà.

Theo BSCKI. Nguyễn Văn Đào - Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), thời gian qua, đã có rất nhiều người bệnh bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có cơn suy hô hấp cấp vào Khoa được điều trị ổn định và ra viện.

Tuy nhiên các bác sỹ khuyến cáo những trường hợp người bệnh, người dân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi xuất hiện cơn khó thở cần đến các cơ sở y tế chuyên sâu để sớm được khám, chẩn đoán và xử lý kịp thời, tránh để tình trạng bệnh diễn biến nặng phải can thiệp đặt ống nội khí quản, thở máy, điều trị dài ngày gây tổn hại sức khỏe và gia tăng chi phí điều trị.