Bệnh viêm não Nhật Bản: Những điều cần biết

Bệnh viêm não Nhật Bản: Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm với trẻ em từ 2-10 tuổi lây nhiễm qua động vật. Viêm não Nhật Bản phát triển mạnh vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 7 với nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Viêm não Nhật Bản là gì?

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi một loại siêu vi trùng thuộc nhóm Arbovirus có ái tính với tế bào thần kinh, có tên là virus viêm não Nhật Bản. Virus lây truyền qua người nhờ trung gian truyền bệnh là muỗi. Bệnh có thể xảy ra rải rác hoặc có khi phát triển thành dịch.

Tùy theo mức độ và vị trí bị tổn thương tại hệ thần kinh trung ương, lâm sàng sẽ có biểu hiện triệu chứng của nơi bị xâm nhập như: viêm não, viêm màng não, viêm sừng trước tủy sống hoặc bệnh cảnh phối hợp: viêm não màng não, viêm não màng não tủy sống.

2. Tác nhân gây bệnh viêm não Nhật Bản

Virus viêm não Nhật Bản thuộc họ Togaviridae trong nhóm B của các Flavivirus. Virus này có hình thái là hình cầu, nhân chứa ribonucleic acid (RNA), kích thước 45 - 50nm, bao quanh bởi cấu trúc hình khối gọi là capsid, phần vỏ giàu chất lipid. Virus viêm não Nhật Bản dễ mất hoạt lực ở nhiệt độ 56 độ C trong nửa giờ hoặc formalin 0,2%, ether, Na deoxycholate, bị bất hoạt nhanh bởi tia tử ngoại. Có thể nuôi cấy virus trên tế bào thận heo, thận chuột đất vàng Hamster, trên não chuột bạch sơ sinh, não chuột bạch trưởng thành hoặc trên tế bào của tổ chức côn trùng như muỗi.

 

Vòng tròn tác nhân truyền nhiễm viêm não Nhật Bản.

Virus viêm não Nhật Bản có ba loại protein kháng nguyên: protein màng M, protein lõi C, protein vỏ E. Kháng nguyên vỏ E đóng vai trò quan trọng nhất trong bước đầu tiên của phản ứng virus với tế bào ký chủ và tạo ra kháng thể miễn dịch bảo vệ cơ thể.

3. Viêm não Nhật Bản là bệnh lây nhiễm

Virus viêm não Nhật Bản được bảo tồn trong thiên nhiên do truyền sinh học từ động vật có xương sống này sang động vật có xương sống khác qua trung gian của côn trùng tiết túc hút máu là muỗi. Chim là vật chủ cơ bản của chu trình Chim - Muỗi trong việc lan truyền virus viêm não Nhật Bản trong tự nhiên, nhưng chưa có nghiên cứu rõ về vai trò quan trọng của chim trong việc truyền virus viêm não Nhật Bản qua muỗi đến người.

 

Trẻ em từ 2-10 tuổi là đối tượng mắc viêm não Nhật Bản cao nhất.

Heo là vật chủ quan trọng nhất có khả năng làm lan rộng virus viêm não Nhật Bản, và chu trình Heo - Muỗi tồn tại quanh năm. Người sống gần chu trình sinh thái tự nhiên này, có thể mắc bệnh khi bị muỗi đốt. Người được coi là vật chủ cuối cùng đối với virus viêm não Nhật Bản viêm não Nhật Bản vì virus trong máu người tồn tạo trong thời gian ngắn với nồng độ thấp, nên không thể lây bệnh từ người này sang người khác qua muỗi đốt.

Khí hậu với những yếu tố nhiệt độ và mưa cũng có ảnh hưởng đến tình hình bệnh. Vào mùa mưa, ruộng lúa đầy nước tạo điều kiện tốt cho muỗi sinh sản và phát triển mạnh trong thiên nhiên, trùng hợp với thời điểm bệnh xảy ra nhiều. Vào mùa hè thời tiết nóng, ở nhiệt độ từ 27 – 30 độ C, virus thường phát triển tốt trong cơ thể muỗi. Nếu dưới 20 độ C thì sự phát triển của virus dừng lại.

Tại Miền Bắc bệnh giảm nhiều vào những tháng lạnh, tăng vào những tháng hè và đỉnh cao vào tháng 5 - 6 - 7. Tại miền Nam, thời tiết nóng bệnh rải rác quanh năm. Tất cả mọi lứa tuổi chưa có miễn dịch đều có thể mắc bệnh.

Ở những vùng có bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành, trẻ em sớm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nên tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ cao thường từ 2 - 10 tuổi.  Viêm não Nhật Bản là một căn bệnh nguy hiểm, biến chứng khôn lường, đặc biệt ở đối tượng trẻ em. Các bậc phụ huynh cần có theo dõi sức khỏe con em mình và có những biện pháp phòng tránh bệnh kịp thời.

Phương Thảo (Tổng hợp theo Viện sốt rét ký sinh trùng)