"Bến đỗ" bình yên của cô giáo khuyết tật

Từ người khuyết tật chật vật tìm kiếm công việc mưu sinh, chị Dung đã tìm thấy niềm vui trong công việc, niềm hạnh phúc trong cuộc sống tại Trung tâm "Vì ngày mai"....

Gắn bó với chiếc xe lăn từ thuở thơ ấu bởi di chứng chất độc da cam, đã có những lúc, chị Nguyễn Thị Dung (40 tuổi, ở Vĩnh Phúc) cảm thấy tuyệt vọng, chới với giữa cuộc sống.

Mang trong mình căn bệnh chất độc màu da cam, đi lại khó khăn, coi chiếc xe lăn là người bạn đồng hành hằng ngày, ngay từ những ngày tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, chị Dung đã vấp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống do bị kỳ thị.

Phải mất rất nhiều thời gian, chị mới có thể hòa nhập với các bạn trong lớp. Dù rất khao khát được bước vào cánh cổng trường đại học nhưng chị đã sớm phải từ bỏ giấc mơ bởi những khó khăn trong việc di chuyển.

Chị Nguyễn Thị Dung đã có hành trình vượt lên chính mình để trở thành cô giáo của Trung tâm “Vì ngày mai”.

Cũng giống như nhiều người khuyết tật khác, chị Dung không dễ dàng tìm được cho mình một công việc phù hợp. Chị chia sẻ, các đơn vị tuyển dụng chủ yếu coi trọng bằng cấp và kinh nghiệm, trong khi bản thân chị chỉ hoàn thành hết chương trình THPT.

"Thời điểm ấy, mình cảm thấy rất mông lung, không biết tương lai mình sẽ như thế nào, đi về đâu, mình sẽ làm được gì? Rất nhiều lúc mình ngẫm nghĩ, dằn vặt bản thân, rằng không lẽ mình sẽ tiếp tục trở thành gánh nặng cho gia đình hay sao?", chị Dung tâm sự.

Giữa lúc bế tắc, chán nản, chị đã được một người cô giới thiệu cho đi học nghề tại Trung tâm "Vì ngày mai" (Hà Nội) dành cho người khuyết tật. Ở đây, chị được đào tạo học nghề thủ công và nghề may mặc.

Các em học sinh khuyết tật của chị Dung đang học may và làm đồ thủ công mỹ nghệ trong trung tâm.

"Trong 6 năm, mình học được rất nhiều thứ và làm được nhiều sản phẩm như vỏ gối, móc chìa khóa,… Do bị bại liệt ở chân không đi lại được nên phải nhờ những bạn xung quanh hỗ trợ đi lại hoặc ngồi xe lăn. Công việc chủ yếu của mình là ngồi tại chỗ để may và thêu”, chị Dung xúc động kể lại.

Hầu hết ở “Vì ngày mai” đều là các bạn thanh niên tham gia học nghề bao gồm những bạn bị tự kỉ, câm điếc,…Thời gian đầu vào học việc khá là vất vả, bởi thay đổi môi trường sống, chị Dung cho biết cũng từng muốn bỏ cuộc nhưng vì được các bạn ở đây động viên nên chị đã vượt qua và hòa nhập với cuộc sống ở trung tâm.

Với tinh thần ham học hỏi, làm việc trách nhiệm, cần mẫn, chị Nguyễn Thị Dung nhanh chóng lên làm giáo viên dạy học cho các bạn khuyết tật trong trung tâm. Sau đó, chị được giám đốc trung tâm tin tưởng mời đi giúp đỡ cộng đồng và thành lập được nhiều nhóm dạy học miễn phí cho các bạn khuyết tật.

Các học viên khuyết tật tham gia các lớp học nghề vừa để cải thiện thu nhập, vừa giúp cuộc sống thêm ý nghĩa.

"Mình cảm thấy rất là vui vì mình có thể giúp cho các bạn cùng cảnh ngộ để các bạn ấy có một nghề mưu sinh. Và điều khiến mình hạnh phúc nhất khi ở tại trung tâm là đã chứng kiến được 30 cặp vợ chồng yêu nhau, kết hôn rồi sinh con", chị Dung tâm sự.

Nhìn lại hành trình từ những ngày đầu vật lộn để tìm kiếm một công việc phù hợp tới khi trở thành một giáo viên dạy trẻ khuyết tật, chị Dung cho rằng, điều kiện quan trọng nhất để thành công là cần tự mình cởi bỏ mặc cảm về khiếm khuyết bản thân, tự tạo cho mình những cơ hội và không ngừng nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, cản trở.