Vụ cho thuê nhà 121 Phủ Doãn (3): “Có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
“Việc tự nhận là chủ sở hữu tự ý cho thuê nhà, trong khi không được phép, chứng tỏ Công ty CP điện tử Giảng Võ có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản”- Đó là ý kiến Luật sư Phạm Ngọc Minh (Cty Luật TNHH Everest, Đoàn luật sư Hà Nội) xoay quanh vụ việc thuê nhà 121 Phủ Doãn, Hà Nội.
Trước đó, Báo Gia đình Việt Nam đã có loạt bài phản ánh về việc Công ty Cổ phần điện tử Giảng Võ (Công ty Giảng Võ- PV) cố ý với danh nghĩa là chủ sở hữu để ngang nhiên ký cho cá nhân là ông Lê Hoàng Hà thuê lại diện tích mặt bằng tầng 1 ở 121, Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Việc đưa nhà 121 Phủ Doãn ra cho thuê đang khiến dư luận bức xúc
Sau khi được Công ty Giảng Võ cho thuê với thời hạn là 5 năm kể từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018, ông Lê Hoàng Hà đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cửa hàng với số tiền hơn 700 triệu đồng để phục vụ cho việc kinh doanh. Thế nhưng khi hợp đồng chỉ mới thực hiện được hơn 15 tháng (1/4 thời gian) thì phía Công ty CP điện tử Giảng Võ đòi đơn phương chấm dứt hợp đồng, đẩy người thuê gặp không ít khó khăn. Điều đáng nói ở đây là Công ty Giảng Võ tự ý cho ông Hà thuê lại khi đơn vị này đã hết hạn thuê nhà mà nhà nước cho thuê.
Đứng trước sự việc trên, Luật sư Phạm Ngọc Minh (Cty Luật TNHH Everest, Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, để xảy ra sai phạm trước hết phải nói đến trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà. Bởi thực tế, kể từ ngày 1/1/2014 Công ty Giảng Võ hết hợp đồng với Công ty Quản lý và Phát triển Nhà.
Nếu khi hết hợp đồng, cơ quan quản lý Nhà tiến hành đi kiểm tra, thanh lý hợp đồng thì không thể xảy ra chuyện công ty Giảng Võ tự nhận là chủ sở hữu để cho thuê lại và thu số tiền hơn 1 tỷ đồng (106 triệu đồng tiền đặt cọc và 990 triệu đồng thuê nhà 15 tháng). Trong khi đó, khi Công ty Giảng Võ cho thuê lại thu với số tiền lớn nhưng vẫn nợ tiền Nhà nước.
Luật sư Minh cho biết thêm: Việc đưa nhà, đất công ra cho thuê thì buộc phải thu hồi, trả lại cho cơ quan quản lý. Nhưng cơ quan quản lý cũng phải xác định, thu hồi lại để làm gì? Nếu như cơ quan quản lý thu để tiếp tục cho thuê thì nên cho những người bị hại, mà trực tiếp ở đây là gia đình anh Hà, vì dù sao họ vẫn có nhu cầu thuê. Hơn nữa họ lại đầu tư cơ sở vật chất với số tiền lớn, trong khi hợp đồng ký Công ty Giảng Võ đến 2018.
Luật sư Phạm Ngọc Minh
“Việc Công ty Giảng Võ hết hợp đồng với Cty Quản lý Nhà mà tự ý cho đơn vị khác thuê lại để thu tiền là có dấu hiệu của hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 139- Bộ luật Hình sư”- Luật sư Minh phân tích.
Trước đó, liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Giám đốc công ty điện tử Giảng Võ thừa nhận, phía công ty đã tự ý cho thuê sai quy định. Khi phát hiện, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý.
26m2 đất công xẻ làm lối đi cho phòng khám đã thể hiện sự lỏng lẻo trong quản lý
Tại biên bản kiểm tra ngày 26/6/2015, giữa đại diện Sở xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp quản lý và Phát triển nhà Hoàn Kiếm … đã phát hiện ra diện tích khoảng 26m2 (nằm trong diện tích 211,4m2 nhà tầng 1 thuộc sở hữu Nhà nước) giáp số nhà 123 Phủ Doãn đã được ngăn bằng vách thạch cao. Hiện diện tích này Phòng khám Thăng Long đang sử dụng làm nơi tiếp đón và lối đi lên phòng khám trên tầng 2 (thay vì phải đi bằng lối chính ngõ 109 Phủ Doãn)”.
Điều đáng nói, đến thời điểm khi kiểm tra cả 2 đơn vị là Công ty Giảng Võ và Phòng khám Thăng Long không cung cấp được các giấy tờ, tài liệu thỏa thuận có liên quan đến việc bố trí sử dụng diện tích trên?.
Một câu hỏi được dư luận đặt ra, tại sao việc “xẻ” đất công làm lối đi lên cho phòng khám Thăng Long đã rõ nhưng lại không có có giấy tờ gì chứng minh? Phải chăng giữa Công ty Giảng Võ với phòng khám có “mối quan hệ” riêng nào từ đây?
Điều 139 (BLHS). Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Báo Gia đình Việt Nam tiếp tục thông tin về vụ việc!
Hoàng Vững