Thứ năm, 28/03/2024 23:31
|
Hà nội 21*C/61%
Emagazine
Không đủ cân nặng lại là con duy nhất trong gia đình chính sách nên không được nhập ngũ, ông Nghĩa đã cho hai quả cân vào túi quần và cắn bật máu ngón tay ngay tại bàn tuyển quân viết "huyết tâm thư" xin ra chiến trường.

Viết "huyết tâm thư" xin nhập ngũ

Chúng tôi tìm về gặp cựu chiến binh Nguyễn Thế Nghĩa ở phường Lê Lợi (TP. Bắc Giang, Tỉnh Bắc Giang để tìm hiểu và nghe ông kể lại về một thời hoa lửa của dân tộc. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Nghĩa vẫn giữ được phong thái nhanh nhẹn, rắn rỏi mà theo ông bảo đó là tố chất của người lính được rèn luyện trong môi trường quân ngũ.

Sinh năm 1945 trong một gia đình có truyền thống cách mạng với người cha là Đội trưởng đội du kích thanh niên cảm tử Đình Bảng bị giặc Pháp bắt và hy sinh anh dũng nên ngay từ nhỏ tấm gương chiến đấu của cha đã ảnh hưởng rất nhiều đến ông.

04

Cựu chiến binh Nguyễn Thế Nghĩa với công việc thường nhật.

Trước khi mất mẹ dặn dò ông: "Lớn lên con phải đi bộ đội bảo vệ đất nước, trả thù cho cha con”. Đó không chỉ là lời trăn trối mà như một mệnh lệnh khiến ông luôn đau đáu trong lòng về việc phải ra chiến trường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và trả thù nhà.

Thế nhưng từ năm 1961 đến năm 1966, cả ba lần viết đơn xung phong nhập ngũ ông đều bị loại từ vòng khám sức khỏe hoặc sơ tuyển vì thiếu cân nặng và thuộc gia đình chính sách. Sau 2 lần thất bại, lần thứ 3 ông Nghĩa hạ quyết tâm nhất định phải được lên đường nhập ngũ.

"Hôm đi khám, để đủ cân tôi đã đút hai quả cân trong túi và qua được vòng khám sức khỏe. Nhưng vào vòng sơ tuyển thì bị loại vì là con “độc” của gia đình có cha là liệt sĩ. Không nói không rằng tôi với ngay tờ giấy trên bàn tuyển quân, đưa đầu ngón tay trỏ lên cắn bật máu trước mặt bao người rồi viết quyết tâm thư: "Đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu"" - người cựu chiến binh năm xưa kể lại.

Những dòng chữ viết bằng máu đến giờ ông vẫn nhớ như in vì nó không chỉ thể hiện quyết tâm mãnh liệt của cá nhân ông mà như tiếp thêm ý chí cho biết bao nhiêu người trước khi lên đường nhập ngũ: "Tôi Nguyễn Thế Nghĩa, đề nghị cho tôi được đi chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc dù phải hy sinh. Tôi phải đi đánh giặc, tôi không muốn ở nhà".

Tinh thần yêu nước và lá huyết thư thể hiện sự quyết tâm không thể lay chuyển được đã giúp Nguyễn Thế Nghĩa thực hiện được ước mong nhập ngũ. Năm 1967, ông vào bộ đội nhưng thuộc diện quân số dư nên chưa được phát quân tư trang mà phải mượn thêm của đồng đội.

01

Lá cờ Đảng và bức ảnh chân dung Bác Hồ bản gốc của ông Nguyễn Thế Nghĩa vẽ bằng máu được trưng bày tại "Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày” ở Phú Xuyên (Hà Nội).

Khi vào chiến trường miền Nam, ông Nghĩa có thời gian là lính trinh sát, rồi chuyển sang Quân báo. Ông về Sài Gòn làm biệt động rồi trở thành Đại đội trưởng Đại đội đặc công CK25 của Trung Đoàn 320 trực thuộc Bộ tư lệnh miền Nam. Sau khi trực tiếp tham gia hàng trăm trận đánh ác liệt trong đó phải kể đến trận đánh ở dốc 31 (Tây Ninh), trận Bến Lức (Long An) nổi tiếng khi đó.

Với sự mưu trí, nhanh nhẹn và dũng cảm của mình, ông tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao cho những vị trí quan trọng như đội trưởng đội quân báo rồi Tham mưu trưởng tiểu đoàn đặc công.

Cuối năm 1969, đơn vị đặc công do ông Nguyễn Thế Nghĩa chỉ huy nhận được lệnh ám sát Phó tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn khi đó là Trần Văn Hương tại Long An. Vụ ám sát bất thành, trong lúc rút lui, ông đã dũng cảm ở lại đánh lạc hướng địch, yểm trợ cho đồng đội chạy thoát.

Nhớ lại trận đánh ngày hôm đó ông Nghĩa chưa hết xúc động cho biết, trên đường rút lui ông gặp biệt kích của địch chặn đường mà trong súng chỉ còn lại bốn viên đạn K54, khi đã dùng hết ba viên, còn một viên duy nhất biết mình không thể thoát thân nhưng không muốn rơi vào tay giặc, ông đã dí súng vào đầu bóp cò nhưng viên đạn không nổ còn toán biệt kích của địch ập đến.

Sau khi bị bắt, địch kết án tử hình rồi đày ông ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây ông Nghĩa được cử làm Bí thư chi bộ và giảng dạy, nâng cao trình độ cho anh em đồng chí.

Trong tù, nhiều chiến sỹ của ta bị địch dùng mọi hình thức tra tấn "thừa sống thiếu chết" nhằm bắt phải khai ra người lãnh đạo của Đảng trong nhà tù nhưng tất cả đều không khai, không chào cờ địch, không hát quốc ca của địch. Thậm chí, có nhiều đồng chí sẵn sàng hi sinh, tự mổ bụng để đấu tranh, đòi yêu sách với kẻ địch.

Lá cờ Đảng và hình Bác Hồ bằng máu

Trong nhà tù nhiều đoàn viên ưu tú, dũng cảm đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Là Bí thư chi bộ nên ông Nghĩa cũng là người có trọng trách trong công tác kết nạp Đảng viên mới. Tuy nhiên, việc kết nạp Đảng trong nhà tù khi tiến hành gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm bởi nếu để bọn địch "đánh hơi" được thì Đảng không những không được tăng cường mà còn tổn thất.

Bí thư Đảng ủy nhà tù khi đó là đồng chí Tô Diệu đã giao nhiệm vụ cho Bí thư chi bộ Nguyễn Thế Nghĩa cố gắng có một lá cờ Đảng để buổi kết nạp sắp tới và về sau gây ảnh hưởng mạnh mẽ. Nhiệm vụ cấp trên giao không thể không hoàn thành, nhưng trong nhà lao thì lấy đâu ra vải đỏ, vải vàng, đến manh áo mặc còn chẳng lành.

03

Ông Nguyễn Thế Nghĩa (thứ hai từ phải qua) và các cựu binh tù Phú Quốc chụp ảnh cùng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (Ảnh chụp lại).

Mới đầu mọi người nghĩ ra cách vẽ cờ Đảng và chân dung Bác Hồ trên cát để mọi người ngồi xung quanh, nhưng nghĩ đi nghĩ lại cách này cũng không ổn. Chuẩn bị đến ngày kết nạp Đảng mà vẫn chưa biết làm thế nào để có lá cờ trang trọng.

Trong lúc mọi người đang bí, chưa tìm ra cách gì thì một đồng chí trong chi bộ bảo hay lấy máu mà vẽ cờ Đảng và được nhiều người đồng tình. Sau đó, ông Nghĩa đưa tay quẹt vào tấm tôn cánh cửa, khi máu ứa ra ông liền chạy ra phòng quân cảnh và bảo viên giám thị băng gạc cho.

"Tôi trở lại phòng giam và tháo băng gạc ngay. Màu đỏ trên băng gạc quấn ba bốn vòng nên có chỗ đậm, chỗ lốm đốm. Tôi nặn mạnh vết thương, các anh em trong chi bộ cũng cắn chảy máu tay nhỏ vào miếng gạc để tạo hình lá cờ Đảng. Để có màu vàng vẽ búa liềm, tôi tán viên thuốc chống phù nề của tù binh để rắc lên. Khi lá cờ Đảng hoàn thành, ai cũng không giấu nổi xúc động", ông Nghĩa kể lại.

Tác phẩm thứ nhất đã hoàn thành, ông Nghĩa nảy ra ý định vẽ hình Bác Hồ bằng máu vì có cờ Đảng rồi, giờ có thêm ảnh Bác nữa sẽ rất trang trọng. Nghĩ là làm, ông cắn dập đầu tăm và chấm vào vết máu rồi vẽ chân dung Bác trên một tờ giấy của một đồng chí khác xin được.

00

Những kỷ vật được trưng bày để giúp các thế hệ hiểu thêm về lịch sử.

"Các anh em đứng vây tròn lại để xem tôi vẽ ảnh Bác. Bức ảnh vẽ xong nhiều đồng chí không kìm được nước mắt, nghẹn ngào khi được nhìn thấy Bác. Hôm đó, đồng chí Tô Diệu, Bí thư Đảng ủy nhà lao còn mượn bức hình Bác để đem về ngắm suốt đêm", ông Nghĩa hồi tưởng.

Buổi lễ kết nạp đảng viên mới chỉ còn một ngày, đã có cờ Đảng và ảnh Bác nhưng một vấn đề đặt ra nữa là sẽ treo cờ và ảnh ở đâu để đảm bảo sự uy nghiêm. Sau đó, ông Nghĩa nghĩ chắc có lẽ không nơi nào cao quý hơn trái tim nên quyết định sẽ treo cờ Đảng và ảnh Bác ở đó.

"Tôi đi mượn được chiếc áo còn khá lành lặn của một đồng chí quê Hà Tĩnh để treo cờ Đảng và ảnh Bác cho trang trọng. Tôi gắn ảnh Bác Hồ bên ngực trái, trên ảnh là lá cờ Đảng, bên ngoài tôi vẫn mặc chiếc áo rách phòng khi quân cảnh đi tuần lại cài khuy áo ngoài vào. Có lẽ buổi lễ kết nạp Đảng hôm đó linh thiêng, đặc biệt hơn bao giờ hết và mãi mãi đi vào lịch sử của một Đảng bộ", ông Nghĩa tự hào kể lại.

Sau này, khi Hiệp định Paris được ký kết, tù binh hai bên được trao trả, ông Nguyễn Thế Nghĩa cùng nhiều chiến sĩ khác được ra tù và tài sản duy nhất ông mang khỏi nhà lao là lá cờ Đảng và bức ảnh Bác Hồ mà ông và các đồng chí của mình đã vẽ bằng máu.

Gần 50 năm trôi qua ông luôn cất giữ hai kỷ vật thiêng liêng là lá cờ Đảng và tấm hình Bác Hồ được vẽ bằng máu bên mình như báu vật. Năm 2008, một người đồng đội của ông cũng từng là cựu tù Phú Quốc mở "Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày” ở Phú Xuyên (Hà Nội) ông Nghĩa đã đem hai kỷ vật đó tặng cho bảo tàng nhằm giúp mọi người hiểu hơn về một thời gian lao và anh dũng của đất nước, của dân tộc.

Nam Phương  
Lái xe gần 50km để tự làm mộ cho mình, dặn con cháu bà chết chỉ được cười, cấm khóc
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Tôi không muốn rời con gái nửa bước”
Cùng làm một việc, ở một nơi nhưng kẻ giàu, người nghèo
Vì sao nên cho trẻ tập thể dục ngay từ khi còn nhỏ?
Ngủ khỏa thân giúp giảm tiểu đường, tăng khả năng sinh sản
Vì sao cha mẹ nên ôm con mỗi ngày?
Đức mỏng quyền cao ắt gặp họa
Bị
Rộ tin
Cuộc thi viết “Cha và con gái”: Tạo niềm tin trong cuộc sống giữa “cơn bão” ngập tràn tin tiêu cực
Người giàu ở Mỹ kiếm tiền như thế nào?
Không có gỗ không đỡ được nhà, không xóm giềng không thể sống tốt
Xem thêm