"Còn tư duy trục lợi từ xét nghiệm, cách ly tập trung là cố tình gây phiền hà cho dân"
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, nếu vẫn còn tư duy trục lợi từ việc xét nghiệm, cách ly tập trung là cố tình gây phiền hà cho người dân, cản trở sự phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Trong đó, đánh giá mức độ dịch theo 4 cấp, các tiêu chí gồm số ca nhiễm mới tại cộng đồng, độ bao phủ tiêm vaccine và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến. Việc xác định cấp độ dịch ở phạm vi nhỏ nhất, có thể dưới cấp xã.
Đặc biệt, khi áp dụng hướng dẫn này, các địa phương sẽ tạm thời không áp dụng quy định của các Chỉ thị 15 (năm 2020), 16 (năm 2020), 19 (năm 2020) của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cần thiết áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, cao hơn hướng dẫn thì phải báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân.
Đánh giá về việc này, PGS. TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Y tế cũng có văn bản số 4800/QĐ - BYT hướng dẫn chuyên môn y tế thực hiện quy định này nên các địa phương cần nghiêm túc thực hiện.
"Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Y tế cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào cần xét nghiệm, những đối tượng nào cần cách ly mà địa phương lại không thực hiện là cố tình chống lại chỉ đạo và gây phiền hà cho người dân, cản trở sự phục hồi phát triển kinh tế", PGS. TS Nguyễn Huy Nga nói.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Y tế hiện nay, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao....


"Cần phải loại bỏ ngay tư duy trục lợi từ việc thu tiền của người dân khi xét nghiệm phòng dịch Covid - 19. Nếu xét nghiệm mà không có tiền thì chắc chắn sẽ bỏ ngay vì khi vẫn còn thu phí xét nghiệm, vẫn còn lợi nhuận thì họ vẫn sẽ duy trì để kiếm chác", Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định.
Đối với một số địa phương vẫn thực hiện cách ly tập trung người dân khi đến địa bàn, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cho rằng bên cạnh việc thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế thì địa phương cũng nên áp dụng tùy theo tình hình thực tế chứ không nên quá máy móc, cứng nhắc.
"Chỉ nên cách ly tập trung khi không có điều kiện tự cách ly vì cách ly tập trung còn nguy hiểm hơn cách ly tại nhà vì nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao", PGS. TS Nguyễn Huy Nga nói.

Để thích ứng an toàn và phục hồi nền kinh tế trong thời điểm hiện nay, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cho rằng người dân cần nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid - 19 vẫn còn hiện hữu trong cộng đồng nên phải tự thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế khi lao động, sản xuất.
"Mọi người cần tự ý thức nguy cơ và quyết định về sức khỏe, sinh mạng của mình. Đặc biệt là những người có bệnh nền, người cao tuổi, trẻ em... nên ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh phải chủ động thông báo với chính quyền địa phương để lấy mẫu xét nghiệm, tự cách ly sớm nhất có thể", Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo.
Ngày 17/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay.
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tinh thần chung là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được quy định trái với quy định của Trung ương, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên.
Thủ tướng yêu cầu, phải làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình dịch bệnh, diễn biến của các chủng virus mới. Khẩn trương xây dựng chương trình tổng thể về phòng chống dịch, có kịch bản, phương án, chuẩn bị nguồn lực con người, cơ sở vật chất, cách vận hành, tổ chức diễn tập chủ động…, đồng thời khẩn trương hoàn thành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.