Chết "êm ái": Sự giải thoát cho những người kém may mắn
Chúng ta có quyền được sống thì cũng cần phải xét về quyền được chết, thực chất đây là hình thức trợ tử (hỗ trợ bệnh nhân được chết).
Chết nhân đạo là một vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đây cũng là vấn đề gây tranh cãi gay gắt, vì có nhiều ý kiến cho rằng: việc đưa "cái chết êm ái" thành quy định trong luật pháp đã vấp phải ý kiến phản đối cho rằng đi ngược với truyền thống...
Thực tế, trên thế giới vấn đề này đã được một số quốc gia áp dụng, ví dụ như ở Bỉ năm 2013 có 1.807 người chọn cho mình "cái chết êm dịu," tức là mỗi ngày có năm trường hợp.
Một số nước đã cho phép việc thực hiện "cái chết êm ái"
Trong đó, các nạn nhân đều là những người mắc bệnh ung thư, gần 52% là nam giới và hơn 48% là nữ giới. Hơn 53% trong tổng số trường hợp trợ tử có tuổi đời từ 70-90 tuổi, lứa tuổi 60-70 chiếm 21%, 7% trên 90 tuổi và 15% dưới 60 tuổi.
Ở Việt Nam, vấn đề này còn khá xa lạ với nhiều người và luật pháp của nước ta vẫn chưa hề có quy định nào về quyền được chết. Vì sao một người muốn chết? Đó là một câu hỏi thoạt nghe có vẻ vô nghĩa. Tuy nhiên, đối với những người đang mắc phải những bạo bệnh, phải chịu đau đớn về thể xác từng ngày, từng giờ thì việc họ muốn chết không có gì là vô lý.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) về vấn đề này. Theo TS Quang, ở nước ta hiện nay, vấn đề chết nhân đạo vẫn chưa được quy định rõ ràng và chưa đưa ra để xin ý kiến.
“Thực tế, qua thăm dò ý kiến trong ngành y tế có rất nhiều bác sĩ đã chữa bệnh cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, chứng kiến cảnh trước khi chết họ vô cùng đau đớn về thể chất và kiệt quệ về mặt tinh thần, sống khổ hơn chết và họ có mong muốn được chết.
Tuy nhiên, luật vẫn chưa cho phép. Vì thế, xuất phát quyền được sống thì cũng có ý kiến nên lật trở lại về quyền được chết. Vậy, quyền được chết đó là như thế nào? Trong trường hợp nào thì được chết và trường hợp nào không được chết?”, TS Quang nói.
Xuất phát từ thực tế trên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: “Chúng ta nên đặt ra yêu cầu, đề nghị Quốc hội xem xét cho quy định về quyền được chết hay nói cách khác là quyền được chết nhân đạo. Tức là trong trường hợp sống đang đau đớn, nhưng chết sẽ nhẹ nhõm hơn, để họ kết thúc cuộc sống thanh thản.
Xuất phát từ tinh thần đó, chúng tôi đang nghiên cứu để đề xuất với Quốc hội nhằm đưa vấn đề này ra thảo luận, xin ý kiến của nhân dân. Nếu được thì cũng là sự giải thoát cho những người không may mắn, khi họ phải vào “bến ga” cuối cùng của cuộc đời”.
TS Quang: "Chết êm ái là sự giải thoát cho những người không may mắn".
Riêng đối với những người sống thực vật hoặc thiểu năng về mặt trí tuệ, liệu họ có được chết nhân đạo hay không? Theo TS. Quang, đối với những người muốn được chết thì đó là quyền nhân thân của họ, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể cho họ chết nhân đạo được.
“Khi họ muốn chết thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tức là không bị thần kinh, mất trí nhớ… lúc đó họ mới yêu cầu, các bác sĩ xác định hành vi dân sự đầy đủ thì mới được chấp nhận.
Hoặc những người có di trúc để lại thể hiện rõ rằng: Đến lúc nào đó họ không nhận thức được thì có người được quyền yêu cầu bác sĩ cho họ được chết nhân đạo, lúc đó chúng ta mới cho họ được chết nhân đạo theo nguyện vọng di trúc lúc tỉnh táo.
Còn nếu họ không có yêu cầu, hoặc bị thần kinh không làm chủ được hành vi thì họ có yêu cầu mình cũng không cho phép, vì họ không điều chỉnh được hành vi của mình”, TS Quang phân tích.
Đình Phương