Thứ sáu, 29/03/2024 07:25
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ sáu, 30/07/2021 16:38

Cá nhân để lại quyền sử dụng đất phải viết di chúc như thế nào?

Bạn đọc tại Ninh Bình mới đây đã gửi thắc mắc về việc bà ngoại viết di chúc để lại quyền sử dụng đất cho dì. Đểtrả lời câu hỏi của bạn luật sư sẽ tư vấn về việc viết di chúc.

Sau khi nhà nước lấy nhà để làm đường thì diện tích đất còn lại của bà ngoại tôi là 31 mét vuông + 29,78 mét vuông (nhà nước chưa đền bù). Sau đó, bà ngoại tôi viết di chúc cho 2 dì được thừa kế 35 mét vuông (đất hiện tại chưa được cấp sổ đỏ) vậy di chúc có hợp pháp không?

Di chúc để lại được đánh bằng văn bản 1 mặt có chữ ký và điểm chỉ của bà ngoại và công chứng ở mặt sau (không có người làm chứng). Vậy di chúc này là 2 trang nhưng không đánh số thứ tự và ký tên hoặc chỉ điểm ở mặt sau.

Xin hỏi Luật sư di chúc này có hợp pháp không?

Bạn đọc Đức Minh - Ninh Bình

Trả lời:

Theo Bộ Luật Dân sự 2015 quy định tại Điều 609. Quyền thừa kế

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Di-chuc01

Di chúc để lại quyền sử dụng đất thế nào hợp pháp?

Điều kiện thực hiện quyền thừa kế đất đai thực hiện theo quy định của Luật Đất Đai 2013 tại Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định:

“Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này".

Bên cạnh đó, tại điểm c khoản 3 Điều 167 còn quy định:

“Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự”.

* Điều kiện thực hiện quyền thừa kế

Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 người sử dụng đất được thực hiện quyền thừa kế quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

- Đất không có tranh chấp;

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

- Trong thời hạn sử dụng đất.

Di-chuc02

Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Theo thông tin bạn cung cấp thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đó chưa đủ điều kiện để bà lập được di chúc có công chứng.

Mặt khác điều kiện để di chúc hợp pháp cần đáp ứng Bộ luật Dân sự 2015 tại Điều 631. Nội dung của di chúc

1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.

3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Căn cứ theo quy định trên, di chúc để lại quyền sử dụng đất cần có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mỗi trang có ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Theo thông tin bạn nêu trên, di chúc nêu trên chưa đáp ứng quy định của pháp luật.

Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức An (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Nam Anh  
Xem thêm