Chuyện tình hạnh phúc của “Cặp đôi hoàn hảo”
Từ khi con cái ra ở riêng, hàng chục năm rồi, bữa ăn của đôi vợ chồng: Cụ ông Nguyễn Hữu Phấn, nguyên chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn Công binh 513(Quân khu 3) và cụ bà Phạm Thị Gái vẫn nồng nàn âu yếm với câu mời ngàn ngày không cũ: “Bà ăn đỡ tôi một thìa”, “Ông ăn dùm tôi nửa bát”...
Nhớ lại hồi năm 1955, “cái thưở ban đầu lưu luyến ấy”, ông là Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc xã Đông Động, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; bà là Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc thôn Phú Điền, xã Đông Động. Đó là một cặp “trai tài gái sắc”.
Chỉ mới có 3 câu mở đầu trong buổi tuyên truyền “Thanh niên đi đầu xây dựng đời sống mới” diễn ra tại sân đình, mà cô nàng 17 tuổi đứng đầu “Đoàn thôn” đẹp như tiên sa đã bị “đổ sập” trước chàng trai hơn mình 2 tuổi đứng đầu “Đoàn xã”. Bởi chàng có giọng nói “ấm như hơi thở” và cách diễn đạt dễ nghe, chẳng kém gì tiếng phát thanh viên trên đài.
Thực ra, trước đó hai năm, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị về tuyển diễn viên, bà trúng ngay từ vòng đầu. Anh chị đã “đầu mày cuối mắt” với nhau, tuy “mặt ngoài còn e” nhưng “tình trong như đã”. Qua một đêm trằn trọc, chị tuyên bố xanh rờn với bàn dâu thiên hạ: “Nhà chỉ có một mẹ một con. Gái phải ở nhà phụng dưỡng mẹ”. Đến tận bây giờ, phải những lúc kiểu như “bát đũa cũng có khi xô”, bà vẫn lườm ông: “Ông thì chỉ được cái dẻo mỏ...!”. Ông cười: “Chẳng dẻo mà anh lại cưa được văn công quân đội!”.
Bữa cơm hạnh phúc của ông bà Phấn - Gái
Năm 1962, ông nhập ngũ khi bà đang mang bầu cháu thứ ba. Bản nhạc “Sòn son ba năm đôi” hùng tráng dẫn đến hệ quả là năm 1976, khi đang là công nhân Xí nghiệp sản xuất ngói Đống Năm, bà phải “về một cục” nuôi 5 “chiến sĩ con” để “chiến sĩ bố” an tâm công tác.
Thương bà bao nhiêu thì ông nỗ lực bấy nhiêu. Chẳng bao lâu ông đã là sĩ quan, rồi trở thành Chủ nhiệm Hậu cần của Lữ đoàn Công binh 513, được chụp ảnh chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Thượng tướng Hoàng Minh Thảo vào đúng hôm lữ đoàn đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Năm 1986, trên đường công tác, không may chiếc xe Gát 69 của ông bị một xe lớn ngược chiều tông vào. Ông bị vỡ hàm dưới, gãy 4 dẻ sườn. Còn bả vai trái, nếu không có dải thịt to bằng ngón tay trỏ nhùng nhằng như đoạn thừng đay ngấm nước “níu kéo” thì đã cổ một nơi, vai một nẻo!
Đang cấy ngoài đồng, nghe tin dữ, bà bỏ cả ruộng cả mạ, chạy về làng. Rồi bà quyết định để 5 “chiến sĩ con” ở nhà với các cụ và họ mạc, xóm giềng, lên ngay Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chăm ông. Tình yêu thương của bà đã góp phần cùng các thầy thuốc khích lệ ông liền vết thương một cách kỳ lạ.
Qua 4 tháng điều trị, cơ thể ông trở lại gần như bình thường. Hôm đưa ông ra viện, bà mừng quá, luýnh quýnh thế nào va đầu vào góc tường ở lối rẽ, khuôn mặt trái xoan bỗng phù nề vuông như cái hộp. Thế là ông lại sang luôn Bệnh viện Thanh Nhàn chăm bà 20 ngày cho đến khi “khuôn mặt của phu nhân trở lại trái xoan đào”.
Về hưu năm 1988, ông chiều chuộng bà nhất trần đời. “Để bù trì cho bà ấy những ngày lam lũ” – ông nói thế. Ngoài việc chăm sóc bà một cách toàn diện, ông muốn đưa bà đi thăm thú đó đây. Hồi đầu, ông còn manh chân tay, cả hai người cùng ở trên một chiếc xe đạp “quay đều, quay đều”... Dăm năm lại đây, ông cân nhắc: “Bà ấy U80 rồi, không thể nhảy đánh phốc một cái lên poóc-ba-ga như hồi thanh niên được nữa. U80 phải ngồi sẵn trên xe, yên vị thì mới “hành quân”. Thế là dạo mùa hè 2012, kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ, ông quyết một “quả” xe đạp điện.
Ông dùng xe đạp điện đèo bà đi chơi. Có điều, chỗ ngồi sau của xe đạp điện “bần” chứ không rộng dài như của xe đạp. Tốc độ xe điện cũng lớn hơn. Thành ra, bà phải ngồi với tư thế dạng hai chân, ôm chặt lưng ông.
Thời gian đầu bà ngượng. Ngồi xe, bà cứ úp mặt vào lưng ông, chẳng dám nhìn ai. Có lúc muốn nhảy xuống, kệ ông. Giống như hồi ông mới nhập ngũ, nghỉ phép đèo bà đi chơi bằng xe đạp, có lần giận dỗi, đang “quay đều, quay đều” bà tụt khỏi xe, bắt ông phải “đền” rồi mới chịu đi tiếp. Nhưng bây giờ, ngồi kiểu cưỡi trâu thế này, việc lên xuống có phải cứ tụt một cái là được đâu!
Cuối cùng, bà quyết định không bao giờ lên xe điện của ông nữa, thôi hẳn cái món “dở trẻ dở già” tưng tửng ấy. Ông không biết xử lý thế nào liền dùng thủ thuật “bán tuyệt thực” – ăn ít cơm. Bà lo quá, “tương kế tựu kế”. Mỗi lần vận động ông ăn thêm, bà kèm theo một câu “hối lộ”: “Ăn hộ tôi! Rồi tôi ngồi xe cho ông đèo đi chơi!”. “Phục mình quá” vì đã bắt đúng bài, nửa bát chứ cả bát ông cũng đánh bay luôn.
Thế rồi sự thể diễn biến rất thú vị. Đi vài lần thành quen. Bà con thôn xóm bắt gặp khen rối rít: “Ông bà là hạnh phúc, trẻ trung nhất làng đấy”. Bà cũng không úp mặt vào lưng ông như trước nữa mà quay ra đáp lễ mọi người bằng nét cười tươi như hoa. Dần dà, bà đâm ra thích hơn cả ông.
Ông biết thế lại “làm cao”, giả vờ như mình đã chán chuyện “gió với diều”, ngầm chuyển từ thế bị động sang thế chủ động. Bà lười ăn, ông giở võ luôn: “Ăn đỡ tôi rồi tôi lấy xe điện đèo bà đi chơi”. Bà nghe thế, nhận tất cả thức ăn ông đưa. Một tuần đôi bữa còn nhận cả bia, rượu từ tay ông nữa...
Giờ đây, bà đã “nghiện” ngồi sau ông trên xe đạp điện rong ruổi trong xóm, ngoài làng. Ông quay ra trêu bà, thỉnh thoảng lại dừng ba ngày không đưa bà đi chơi. Thế là bà lựa thời điểm thích hợp, “phát ngôn” rất ý vị: “Có mấy người bạn, sao mình không đi thăm hết lượt mà lại chỗ có, chỗ không. Em e rằng, các bạn cho mình là bên trọng, bên khinh”...
Ông cười trong bụng, lại thêm yêu, thêm quý vô vàn, liền vào buồng đưa xe và đôi mũ bảo hiểm ra... Và, bà lại vắt chân qua yên xe, ngồi sẵn kiểu cưỡi trâu. Ông mở khóa điện, tăng ga...Đàn cháu xếp hai hàng đầu ngõ đồng thanh theo nhịp vỗ tay: “Hoan hô cặp đôi hoàn hảo! Hoan hô cặp đôi hoàn hảo!...”.
Theo Sự kiện và Nhân chứng